Vùng cao chuẩn bị cho năm học mới
Thời gian qua, các huyện miền núi trong tỉnh đã nỗ lực xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng chuyên môn giáo viên, lên kế hoạch vận động học sinh trở lại trường… để chuẩn bị đón năm học mới.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh là một trong những trường đi đầu trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, thông qua nhiều hoạt động thiết thực.
- Trong ảnh: Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh được khuyến khích mặc trang phục truyền thống khi đến lớp. Ảnh: THẢO KHUY
Chỉ còn vài ngày nữa, phòng ăn dành cho học sinh nội trú Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vân Canh (huyện Vân Canh) sẽ được nghiệm thu chính thức đưa vào sử dụng. Thầy Võ Quốc Hồng, Phó Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết, ngày 20.8, nhà trường sẽ tổ chức dạy học lại và các học sinh sẽ được ngồi ăn trong căn phòng sạch đẹp, mới toanh này. Ở huyện Vân Canh, ngoài Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vân Canh, trong hè này, các trường phổ thông dân tộc bán trú cũng được đầu tư xây mới, sửa chữa phòng học, phòng ở để học sinh các làng xa về có chỗ học tập, ăn ở tốt hơn năm học trước.
Tương tự, 2 huyện Vĩnh Thạnh và An Lão cũng rất quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất cho các bậc học với hàng chục phòng học, nhà vệ sinh, nhà hiệu bộ và các công trình phụ trợ khác được xây mới, sửa chữa, phục vụ năm học mới.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện An Lão, cho hay: Phòng đã đầu tư khoảng 2,2 tỉ đồng sửa chữa các phòng học xuống cấp và công trình phụ trợ, 680 triệu đồng mua sắm trang thiết bị. Ngoài ra, Sở GD&ĐT còn đầu tư xây thêm 15 phòng học, UBND huyện đầu tư xây 3 nhà công vụ tiểu học cùng 2 nhà hiệu bộ cho trường mẫu giáo và tiểu học. Đáng phấn khởi hơn là trong hè này, nhiều xã đã góp sức hỗ trợ xây dựng thêm một số phòng học. Điển hình như xã An Vinh đã đầu tư xây 2 phòng tiểu học, xã An Hưng đầu tư xây 1 nhà hiệu bộ mẫu giáo.
Bên cạnh cơ sở vật chất, các huyện tích cực chuẩn bị đủ số lượng giáo viên, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, chính trị cho đội ngũ này. Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh vừa tiến hành xét biên chế và luân chuyển giáo viên về vùng sâu vùng xa. Các trưởng phòng GD&ĐT cho biết, năm nay số trẻ mầm non ra lớp tăng cao nên các huyện đều đang xem xét ký hợp đồng tuyển thêm giáo viên. Đồng thời, triển khai song song việc sáp nhập trường, lớp theo đề án của huyện.
Do các đặc thù, điều kiện riêng của khu vực miền núi, từ đầu tháng 8, các giáo viên đã họp bàn giải pháp vận động học sinh trở lại trường, nhất là số học sinh dân tộc thiểu số ở lại lớp. Nhà trường phối hợp với đảng ủy, chính quyền địa phương, cùng với giáo viên thuyết phục phụ huynh, học sinh đưa các em trở lại trường lớp, tiếp tục việc học.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh Từ Kim Lân cho biết: “Trường đã phối hợp với Đài Truyền thanh huyện, xã phát nội dung tuyên truyền về ngày tựu trường bằng cả tiếng Bana”. Cũng từ đầu tuần này, thầy Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Canh Liên (huyện Vân Canh) Lương Văn Tuấn liên tục gọi điện cho các trưởng thôn nhờ nhắn học sinh mình ngày giờ tựu trường. “Năm học 2018 - 2019, trường đón thêm 4 giáo viên, 1 tổng phụ trách Đội, 1 nhân viên y tế và 1 kế toán. Ngày 1.8, trường đã tổ chức họp hội đồng, triển khai quán triệt các nội dung của năm học mới và bố trí chỗ ăn ở cho số giáo viên ở xa. Mừng là các thầy cô đều hòa đồng, đoàn kết, quyết tâm cùng nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ năm học. Tuần tới, học sinh trở lại trường rồi, mọi thứ đều đã sẵn sàng chào đón các em” - ông Tuấn cho biết.
KIM KHÁNH