Giải quyết án hành chính: Khó nhiều bề!
Vướng mắc từ quy định của chính sách pháp luật lẫn thực tế thi hành khiến công tác xét xử, thi hành án hành chính còn nhiều khó khăn và khó đảm bảo tiến độ.
Trong giai đoạn 2015 - 2017, TAND 2 cấp đã thụ lý 205 vụ án hành chính (cấp tỉnh 146 vụ, cấp huyện 59 vụ), giải quyết 175 vụ án (tỉnh 127 vụ, huyện 48 vụ), trong đó, đình chỉ 9 vụ, buộc thi hành án nhưng chưa thi hành xong 2 quyết định.
Vướng mắc trong giải quyết án hành chính là nội dung được quan tâm tại buổi giám sát về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong công tác xét xử, THAHC và THADS giai đoạn 2015 - 2017 tại TAND tỉnh.
Vướng chính sách
Vướng mắc lớn nhất trong quá trình xét xử, thi hành án hành chính (THAHC) là về thủ tục thi hành bản án, quyết định của tòa án. Theo Chánh án TAND tỉnh Đặng Công Lý, quy định pháp luật về THAHC rải rác, phân bố ở nhiều văn bản khác nhau, như Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án dân sự (THADS)... Tuy nhiên, lại có quá ít điều luật nên chưa quy định đầy đủ cách thức thực hiện, nhất là việc đôn đốc THAHC khi mà cơ quan phải thi hành là UBND hoặc chủ tịch UBND các cấp.
“Trong trường hợp nếu cơ quan phải THAHC không tự nguyện thi hành việc đôn đốc thì việc cưỡng chế thi hành án sẽ tiến hành như thế nào? Trường hợp bên phải thi hành án là UBND cấp tỉnh hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh không thi hành án thì thông báo cho cơ quan cấp trên trực tiếp nào để kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm theo quy định?”, ông Lý đặt vấn đề.
Bên cạnh đó là khó khăn liên quan đến bộ máy tổ chức thực hiện công tác THAHC. Phó Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thanh Trà nêu thực tế, có những vụ việc THADS phức tạp phải chờ xin ý kiến của Trưởng ban chỉ đạo THADS. Trong khi đó, với THAHC, “ách tắc” ở chỗ không có trưởng ban chỉ đạo. Chưa hết, THADS thì có Cục THADS tỉnh và Chi cục THADS cấp huyện theo dõi kết quả thi hành, còn THAHC thì không có cơ quan chuyên trách theo dõi. Đây là bất cập lớn cần sửa đổi.
Chính quyền thờ ơ, thẩm phán e ngại...
Theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện tại tòa. Người bị kiện trong các vụ án hành chính đều là UBND các cấp, vì vậy đại diện theo pháp luật là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh. Trên thực tế, đại diện theo pháp luật đều có văn bản ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng, nhưng các cấp phó lại có văn bản xin được xét xử vắng mặt vì lý do công việc.
Theo lãnh đạo TAND tỉnh, việc xin xét xử vắng mặt không trái quy định pháp luật, nhưng lại gây khó khăn cho công tác giải quyết các vụ án hành chính, đặc biệt là các phiên họp đối thoại. Các phiên họp đối thoại hoãn nhiều lần làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án và gây tốn kém thời gian, công sức và chi phí của tòa án, đương sự; mục đích đối thoại không thực hiện được, có trường hợp gây bức xúc cho các đương sự.
Chưa hết, một số cơ quan công quyền chưa “mặn mà” trong quá trình tham gia giải quyết các vụ án hành chính. Trong giai đoạn 2015 - 2017, TAND TP Quy Nhơn thụ lý 17 vụ án hành chính, tiến hành giải quyết 10 vụ án. Theo Chánh án TAND TP Quy Nhơn Trương Quốc Dũng, án hành chính ít nhưng tỉ lệ giải quyết thấp. Nguyên nhân chủ quan là thẩm phán còn nể nang, ngại va chạm với lãnh đạo UBND TP Quy Nhơn và các cơ quan liên quan nên quá trình làm việc thiếu kiên quyết, dẫn đến các quy trình tiến hành tố tụng chậm.
Về khách quan, các đương sự cung cấp chứng cứ chậm hoặc không cung cấp đầy đủ, người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện không cung cấp đầy đủ chứng cứ phản hồi yêu cầu khởi kiện hoặc cung cấp chứng cứ chậm, nhiều lần vắng mặt trong các phiên họp giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại. Tại đợt giám sát về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong công tác xét xử, THAHC và THADS giai đoạn 2015 - 2017 do Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) thực hiện giữa năm 2018, TAND TP Quy Nhơn đã cung cấp 19 vụ việc mà các cơ quan liên quan chưa có văn bản phúc đáp. Đáng chú ý, có trường hợp kéo dài từ năm 2013 (đơn vị được giao là UBND TP Quy Nhơn, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Quy Nhơn); có trường hợp qua 4 lần yêu cầu (Phòng TN&MT TP Quy Nhơn) nhưng chưa có hồi âm…
Tăng cường trách nhiệm
Theo nhận định của các cơ quan liên quan, quản lý hành chính nhà nước về đất đai là lĩnh vực “nóng” nhất, phát sinh nhiều vụ án hành chính. Sau kết quả giám sát, Trưởng ban Pháp chế Phạm Hồng Sơn cho rằng, UBND tỉnh cần chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, bồi thường, cấp đất tái định cư. Đồng thời, tránh tình trạng quy hoạch “treo” dẫn đến tranh chấp trong nhân dân, khi có tranh chấp tòa án không thể giải quyết được. Quy hoạch “treo” cũng khiến cơ quan chức năng không cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân; người dân không xây dựng, sửa chữa nhà cửa được, phát sinh khiếu nại, tố cáo nhiều.
Đặc biệt, các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan cần tăng cường trách nhiệm phối hợp với các cơ quan tòa án trong việc giải quyết các vụ án hành chính đúng quy định, như việc cung cấp chứng cứ, giám định, định giá, trả lời các vấn đề vướng mắc do tòa án yêu cầu…
MAI LÂM