Lặng thầm nơi bệnh viện
Khi người bệnh qua được cơn thập tử nhất sinh, khỏe mạnh, người ta thường tri ân những bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng. Ít ai nghĩ tới sự đóng góp không nhỏ của các hộ lý - những người ngày đêm miệt mài với mớ công việc không tên, rất đỗi bình thường mà không kém phần cao cả.
Bộn bề với… rác
4 giờ sáng, tôi theo bà Nguyễn Thị Nga có mặt tại khoa Hồi sức cấp cứu Ngoại (BVĐK tỉnh), chuẩn bị bắt đầu một ngày làm việc mới. Sau khi thay đồng phục dành cho hộ lý, bà Nga bắt đầu gom rác, phân thành rác sinh hoạt và rác y tế, sau đó đưa lên nhà chứa rác ở phía sau bệnh viện. Tầm này chỉ lác đác những bóng người từ “xóm chạy thận”.
Dọn rác xong, bà bắt đầu quét, lau chùi hành lang. Dưới ánh điện nhờ nhờ, bà vẫn đưa chổi xuống dưới dãy ghế. Hành lang thường được lau vào buổi sáng sớm, người đi lại còn ít nên đỡ dơ, nhanh khô. Vừa làm, bà vừa thủ thỉ: “Nhiều lần, lau mãi vẫn không sạch vết cà phê người ta đổ xuống sàn”.
Xong việc ở hành lang, bà Nga bắt đầu vào công đoạn “nặng” nhất: lau chùi nhà vệ sinh. Thấy tôi nhăn mặt khi bắt gặp một bồn cầu còn nguyên “hiện trường”, bà thở dài: “Đây là chuyện thường. Nhiều người còn đổ nguyên bô đựng phân với tã giấy vào bồn cầu, chúng tôi phải tự tay lượm tã ra rồi mới dội sạch được. Kỹ là thế, mà lâu lâu bồn cầu vẫn bị nghẹt”.
Dọn sạch các bồn cầu thì trời cũng hửng sáng, bà Nga quay sang lau chùi kính, rồi phụ thay quần áo cho bệnh nhân, thay ga trải giường... Công việc cứ thế lặp đi lặp lại đã 7 năm nay, kể từ khi bà chính thức chuyển về khoa Hồi sức cấp cứu Ngoại.
Hộ lý Nguyễn Thị Bé dọn vệ sinh trong bệnh phòng của bệnh nhân lao kháng thuốc.
Ở công đoạn cuối của quy trình dọn vệ sinh bệnh viện, tổ y công - ngoại cảnh của khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn có nhiệm vụ đưa rác vào nhà chứa. Tổ có 10 người, thường xuyên “cắm chốt” ở nhà rác. “Cả ngày ngập trong rác. Hộ lý trong bệnh phòng có lúc còn được mở khẩu trang, chứ người làm ở nhà rác thì hiếm khi được hít thở không khí trong lành”, hộ lý Phạm Thị Thu cho biết.
Làm vệ sinh ở bệnh viện vốn đã nhiều vất vả, mệt nhọc. Công việc của hộ lý ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh còn thêm phần nguy hiểm. Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện có 14 hộ lý, chia ra từng nhóm 2-3 người để đảm nhận dọn vệ sinh ở từng khoa. Hằng ngày, công việc của hộ lý Nguyễn Thị Bé là dọn vệ sinh ở khu bệnh nhân kháng thuốc và AIDS.
Trước khi cho theo vào khu điều trị kháng thuốc và AIDS, bà Bé cẩn thận giúp tôi đeo chiếc khẩu trang N95, đảm bảo ôm kín miệng và mũi, để không bị vi trùng lao tấn công. Vào bệnh phòng, ngay lập tức bà thu dọn chai nhựa chứa đờm của bệnh nhân, đưa vào nhà vệ sinh xử lý. Sau đó, tỉ mẩn lau sạch tủ cá nhân đến từng đồ dùng của bệnh nhân. “AIDS còn dễ phòng hơn cả lao kháng thuốc. Hộ lý là người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đờm của bệnh nhân - nguồn lây trực tiếp. Họ phải cẩn trọng để bảo vệ cho mình, cho người nhà bệnh nhân và các nhân viên y tế khác”, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Nguyễn Sỹ Dũng cho biết.
Đời người, đời rác
11 năm gắn bó với nhà rác của bệnh viện, đến nay, mỗi tháng hộ lý Phạm Thị Thu nhận được chừng 2 triệu đồng. Học chưa hết cấp 2, trình độ không có, bà và nhiều đồng nghiệp chấp nhận công việc này. “Khi đang quét sân, có người đi ngang qua, mình cũng cố tình quét chậm để bụi khỏi bay lên. Vậy mà, cũng có nhiều người đưa tay che miệng, nhìn mình khinh khỉnh... ”, bà Thu ngậm ngùi.
Công việc có lắm buồn tủi, nhưng bà Thu lại thấy niềm vui trong cuộc sống từ con trai và đứa cháu côi cút. Con trai bà hiện đang công tác tại Trường ĐH Kinh tế Luật TP Hồ Chí Minh. Còn đứa cháu là con của người em trai quanh năm đau yếu, mồ côi mẹ từ lúc mới lọt lòng, được bà cưu mang đã 10 năm nay. Để có thêm thu nhập, bà nhận giữ nhà vệ sinh trong bệnh viện. Những trưa không về được, thằng cháu vào ăn cơm hộp cùng cô. Bà rưng rưng: “Cũng chỉ quấy quá xong bữa cơm thôi. Người ta đi vệ sinh qua lại, mình ngồi cạnh đấy mà ăn cơm, cứ thấy nghèn nghẹn. Già rồi, sao cũng được, chỉ tội thằng nhỏ”.
Cùng tổ y công - ngoại cảnh với bà Thu, ông Lê Nguyên Quý cũng đã có 7 năm bám rác. Ông từng làm thợ cắt tóc, đạp xích lô; đến hồi xích lô bị xóa sổ thì ông xin vào bệnh viện. Vợ ông cũng làm hộ lý ở khoa Hồi sức cấp cứu Ngoại. Thu nhập mỗi tháng của mỗi người chừng 1,5 triệu đồng. Ông Quý bảo, làm riết ở nhà rác, rồi chẳng nghe mùi hôi thối gì nữa. Mà có nghe nặng mùi đi nữa, cũng chịu được. “Phải gửi thằng con trai duy nhất lên nhà cậu nó ở Vân Canh để học cho tiết kiệm. Mỗi tháng tiền học thêm cũng mất 1 triệu đồng, thêm 600 ngàn đồng ăn sáng và tiêu vặt, rồi góp gạo, mắm!”, ông Quý cho hay.
Chẳng thể nào nói hết nỗi cơ cực của những con người làm công việc này. Buổi chiều, bà Thu ngồi cạnh tôi trên chiếc ghế đá trước nhà chứa rác, cạnh nhà tang lễ. Gió cứ thông thốc cuốn rơi mấy chiếc lá bàng khô. Dáng người gầy rộc, bàn tay gân guốc đưa lên chấm nước mắt, giọng bà như lạc đi: “Năm ngoái, ba cháu mất, nhà trường cử cán bộ ra viếng. Đợt thi đại học vừa rồi, cháu cùng các thầy cô trong trường về Quy Nhơn làm công tác tuyển sinh. Mỗi lần thấy con bước ra từ chiếc ô tô đậu trước nhà, tôi lại thấy hãnh diện lắm. Thằng bé lại sắp thi cao học. Rồi cũng ráng nuôi thằng cháu được học hành tới nơi tới chốn. Nghĩ đến ngày sau của con cháu, khổ vầy, chứ khổ nữa tôi cũng chịu được”.
San sẻ tình người
Vậy là bà Trần Thị Liên rời khoa Khám, BVĐK tỉnh, đã được gần 4 tháng. Chừng ấy thời gian, bà chỉ quanh quẩn chăm 4 “nhóc tì” trong căn nhà nhỏ ở khu dân cư Bông Hồng. Nói chuyện cùng tôi, người hộ lý già này cũng không cầm được nước mắt: “Ngày nào cũng đi làm, có chị có em, giờ thui thủi ở nhà, buồn lắm. Cũng may, có mấy đứa nhỏ để mình bận bịu”.
“Công việc của hộ lý thầm lặng, không to tát, nhưng rất quan trọng. Dù đã có đội ngũ công nhân vệ sinh chuyên nghiệp, nhưng vai trò của hộ lý trong chăm sóc bệnh nhân, giữ gìn môi trường bệnh viện là không thể thay thế. Hơn ai hết, họ xứng đáng được tôn vinh. Trong quá trình phát triển của bệnh viện, đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan là một trong những mối quan tâm lớn của chúng tôi. Khi các công trình xây dựng đã hoàn thành, chúng tôi sẽ thành lập hẳn một nhóm chuyên đi nhặt rác, làm sạch đồng bộ trong bệnh viện, chứ quét chùi không thôi thì chưa đủ”.
Bác sĩ HỒ VIỆT MỸ, Giám đốc BVĐK tỉnh
Bà Liên là một trong những hộ lý kỳ cựu của BVĐK tỉnh. Năm 1977, khi đang bán trái cây gần bệnh viện, nghe nói bệnh viện cần tuyển hộ lý nên bà nộp hồ sơ. Thời gian đầu học việc, hết buổi làm ghé nhà bếp xin miếng cơm cháy dằn bụng, rồi về. Không lương, công việc nặng nhọc, nên lắm người lẳng lặng bỏ ngang. Cứ thế mà đã 36 năm. Bà Liên cười chia sẻ: “Chẳng nhớ bao lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, được khen thưởng. Là hồi xưa thôi, chứ giờ chiến sĩ thi đua phải có sáng kiến kinh nghiệm, mà làm hộ lý quét dọn, biết sáng kiến gì chứ… Kinh nghiệm duy nhất là cứ quét cứ chùi cứ dọn, đến khi nào thấy sạch như nhà mình thôi”.
Bà bảo, làm nghề này, ớn nhất là mấy “ông” say xỉn, đáng tuổi con mình mà cứ “mày tao mi tớ”, nhưng cũng phải nhún nhường. Cứ nghĩ, ở đâu cũng có người này người nọ. Những người làm việc ở bệnh viện, cũng có người hay nạt nộ, cau có. Còn bệnh nhân, người ta đau, người ta khó chịu, chứ hơn thua làm gì đâu. Ngay đêm trực đầu tiên, bà nhìn thấy một đứa bé sơ sinh nằm chòng queo trên băng ghế của phòng cấp cứu. Bế lên, mới biết nó không còn thở nữa. “Lúc đó, ngực tôi cứ đánh thình thịch. Chặng đường từ phòng cấp cứu đến nhà đại thể sao mà dài đến thế”, bà Liên nhớ lại.
Đặc thù ở khoa Khám, bệnh nhân không lưu lại lâu. Quãng đường chuyển bệnh cũng chỉ đủ để các hộ lý chuyện trò, hỏi han bệnh tình bệnh nhân. Bà Liên kể: “Có một người phụ nữ bị đau khớp chân, tôi đẩy xe đâu vài lần, rỉ rả nói chuyện, thế là thân. Bà ấy có chồng và một con, rồi thấy bà đau quá mà chồng bỏ, một mình lủi thủi. Sau này, khi đã hết bệnh, bà có thuê xe, đưa tôi cùng vài người hộ lý về quê ở Phù Mỹ chơi”.
Không chỉ “làm bạn” với rác, những người hộ lý còn thường xuyên chăm sóc bệnh nhân. Đến giờ, nhiều người ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh còn nhớ về câu chuyện bà Bé chăm sóc cậu sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn vào năm 2001. Cậu sinh viên ấy bị áp-xe phổi, khạc ra cả mủ đặc. Vài người bạn theo chăm, nhưng cũng ngại bị lây. Thế là bà “ưu tiên” nhiều hơn, sáng đi làm mang theo cà mèn cháo, đút cho anh chàng mấy muỗng. Có đêm, bà cứ ngồi một bên, xoa nhẹ cái tay truyền dịch, rồi còn nấu mấy nồi nước nóng để tắm rửa sạch sẽ cho cậu. Bà bảo, cứ coi thằng bé như con trai mình. Sau 2 tuần điều trị tích cực, cậu sinh viên mới hết khạc. Cha mẹ từ ngoài Bắc vào, cứ nắm tay bà mà cám ơn không ngớt. Nhà nghèo, họ phải xoay sở mãi mới có lộ phí vào thăm con được.
Thực tế cho thấy, đây đó vẫn còn lời than phiền về thái độ, tinh thần phục vụ của nhân viên ngành Y tế. Song, vẫn còn đó những người tận tụy với công việc, để có nhiều hơn những cái nhìn thiện cảm. Anh Nguyễn Tác Lưu, ở TP Quy Nhơn, nuôi vợ nằm điều trị ở khoa Hồi sức cấp cứu Ngoại, BVĐK tỉnh, chia sẻ: “Để một bệnh nhân hồi phục sức khỏe, ngoài hiệu quả điều trị của bác sĩ, rất cần sự chăm sóc ân cần của hộ lý, điều dưỡng. Ở khoa này, ngày nào hộ lý cũng làm vệ sinh, thay quần áo cho bệnh nhân, nếu họ không thật sự nhiệt tình, chịu khó thì sao bệnh nhân nhanh khỏi được”.
NGUYỄN VĂN TRANG
Nhất trí ý kiến anh QuocBao .Đề nghị Phó Giám đốc Sở Y Tế thử cho khen thưởng tôn vinh đội ngũ hộ lý,y công giỏi của các Bệnh viện.( Có khen tức có chê .Hội thảo Y Đức ngành Y tỉnh Bình định : Làm tốt khen làm xấu kiểm điểm sửa sai,tái phạm cho nghỉ việc...Tức thì bộ mặt ngành Y sẽ tốt đẹp.
Lời của bạn HaiHong nói đúng. Nhưng đó chỉ là những con sâu làm "rầu" nồi canh. Chúng ta cũng không nên lấy đó làm thước đo, đánh giá hết cho tất cả những người đang làm công việc này. Mỗi người nên có sự chia sẻ, ngay với cả những người như chúng ta lâu lâu mới vào bệnh viện. Đơn giản là, mỗi người làm tốt phần việc của mình cũng là cách để mọi việc được tốt hơn, đỡ những phiền phức. Ví như, các hộ lý làm đúng nhiệm vụ của mình, có sự đối xử công bằng với mọi bệnh nhân và người nhà. Còn bệnh nhân và người nhà như chúng ta tuân thủ đúng các quy định của bệnh viện... Chỉ thế thôi cũng sẽ thấy bớt đi những chuyện không vui. Chúc các nhà báo sức khỏe dồi dào và có nhiều bài viết hay đến với độc giả chúng tôi.
Tôi không có ý vơ đũa cả nắm nhưng nếu được hỏi khi vào nằm viện sợ nhất điều gì thì sẽ có không ít người trả lời là sợ nhất các cô hộ lý. Họ có thể quát tháo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mọi lúc mọi nơi nếu vô tình làm phật ý họ. Tôi từng bị một "cú" như thế, cách đây 1-2 năm tôi chăm đứa em nằm viện tại BVĐK QN, do lúc vào thiếu giường nên em tôi được các chị điều dưỡng cho nằm đỡ ở phòng bên cạnh để truyền dịch, sau khi truyền dịch xong chúng tôi trở lại phòng bên đây. Sẽ chẳng có gì để nói nếu chiều hôm ấy chúng tôi không bị "cô" hộ lý mắng xa xả vào mặt là ăn dơ ở bẩn làm nghẹt cầu của tolet phòng đấy, mặc dù phòng bên đấy cũng có một số bệnh nhân đang điều trị, chúng tôi đã giải thích rõ ràng với "cô" ấy là chúng tôi chỉ sang đó truyền xong chai dịch truyền là trở lại phòng bên đây và không có sử dụng tolet bên đấy nhưng "cô" ấy vẫn sừng sộ với chúng tôi và buộc tôi phải sang đó dọn dẹp tolet sạch sẽ trở lại, nếu không sẽ không yên với "cô" ấy. Cả phòng lúc ấy bức xúc nên ph
Cảm ơn tác giả bài viết đã dựng lại gần như đầy đủ những con người ở một góc nhỏ của các cơ sở y tế. Tôi cũng từng nằm viện, cũng từng được các cô hộ lý chăm sóc, cũng từng chứng kiến họ chăm sóc người thân của mình khi phải vào viện. Nhưng, hình như cũng chưa khi nào ra viện, tôi lại nói lời cảm ơn các hộ lý (trong khi vẫn nói lời ấy với bác sĩ, điều dưỡng). Tôi tâm đắc khi tác giả đã gọi đúng tên của họ. Những hộ lý - y công làm những việc không tên, nhưng đóng góp lớn vào thành công của mỗi ca điều trị bệnh. Tôi cũng biết chúng ta chưa có nhiều sự tôn vinh xứng đáng dành cho họ - có thể do công việc chưa gợi nhớ nhiều như những vị trí khác trong bệnh viện. Tôi cũng hiểu họ cũng không có sự đòi hỏi nhiều, nhưng mỗi một sự quan tâm và tôn vinh đối với những con người hết lòng cống hiến cho công việc đều rất đáng ghi nhận. Trân trọng cảm ơn tác giả bài viết. Xin gửi lời chúc sức khỏe đến các anh, chị làm việc ở tòa soạn.
Đề nghị BS Hồ Việt Mỹ, vừa là GĐ BVĐK tỉnh, vừa là PGĐ Sở y tế, vào ngày 27/2/2014 tới đây, nên nhớ bình chọn, khen thưởng, tôn vinh các hộ lý, y công giỏi của các bệnh viện. Chứ chúng ta không chỉ tôn vinh các bác sĩ, các lãnh đạo ngành y! Các bệnh viện, các trung tâm y tế khác trong toàn tỉnh cũng vậy !