Nửa thế kỉ chế tác nhạc cụ dân tộc
Trong cộng đồng dân tộc Ê Đê ở Đăk Lăk, ông Y Míp A Yun là một trong những gương mặt nghệ nhân tiêu biểu, tài hoa cả về biểu diễn lẫn chế tác, quảng bá các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ê Đê. Ông đã đóng góp rất đáng kể vào việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hơn nửa thế kỷ qua.
Người mê nhạc
Nghệ nhân Y Míp A Yun sinh ra và lớn lên ở buôn Kô Sier (phường Tân Lập, TP Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk). Dù tồn tại lâu đời ngay giữa lòng đô thị nhưng buôn Kô Sier vẫn giữ gìn được không gian văn hóa đậm bản sắc truyền thống dân tộc.
Nghệ nhân Y Míp A Yun thổi tù và
Ngay từ nhỏ, A Yun đã đặc biệt yêu thích các loại nhạc cụ của dân tộc Ê Đê, cứ thấy ai chơi đing puốt, đing năm là ông ngồi nghe mê mẩn, hay những khi rảnh rỗi ông ngồi ngắm nghía các loại nhạc cụ hàng giờ không biết chán. Lớn lên, A Yun bắt đầu mày mò tìm hiểu đặc điểm, sự cấu tạo cũng như âm thanh của từng loại nhạc cụ dân tộc mình.
Càng tìm hiểu ông càng bị những âm thanh khi trầm khi bổng, lúc réo rắt như chim hót, lúc lại ầm ào như mưa nguồn, gió núi của các nhạc cụ này mê hoặc. Rồi sự đam mê dẫn dắt ông lặn lội vào rừng tìm kiếm và lựa chọn từng cây tre, ống nứa; đi tới nhiều buôn xa để tìm sừng trâu đem về chế tác nhạc cụ. Đến nay, bản thân ông cũng không nhớ đã trải qua bao nhiêu lần thử nghiệm chế tác nhạc cụ, nhưng nhớ nhất thời điểm ông làm ra nhạc cụ đầu tiên - cây đing puốt – ấy là khi ông tròn 20 tuổi.
Theo một người dân quen biết trong buôn Kô Sier, ông A Yun say mê chế tác đàn đến quên ăn, quên ngủ, thậm chí có lần bị bệnh phải vào nằm điều trị trong bệnh viện, ông cũng bắt người thân mang dụng cụ và những ống tre, nứa, sừng trâu vào để ông “ngắm nghía” tiếp và sẵn hứng biểu diễn luôn cho những bệnh nhân ở bệnh viện cùng thưởng thức. Ông quan niệm, chính âm thanh du dương trầm bổng từ những nhạc cụ truyền thống dân tộc đã giúp cho ông và những bệnh nhân quanh mình giảm bớt phần nào những cơn đau, phiền muộn, âu lo do bệnh tật đem đến.
Chế tác kỳ công nhưng sẵn sàng hiến tặng
Dụng cụ quen thuộc dùng để chế tác các loại nhạc cụ dân tộc của A Yun rất đơn giản: chỉ là một con dao nhọn thật sắc bén. Nhưng qua bàn tay khéo léo, tài hoa, tỉ mẩn, công phu và đôi tai thẩm âm cực chuẩn, ông đã chế tác ra hàng chục loại nhạc cụ truyền thống khác nhau như đing puốt, đing năm, đinh tạc tài, chiêng đồng, chiêng Kram, chiêng cóc, tù và, sáo…
Chế tác nhạc cụ đing năm
Khó khăn, tỉ mẩn, công phu là vậy, nhưng hơn 50 năm qua, ông AYun chưa bao giờ nản lòng và có ý định bỏ nghề, bởi ngoài sự đam mê, ông còn hy vọng việc chế tác nhạc cụ của mình không chỉ đem lại niềm vui cho bản thân, cho buôn làng mà sâu xa hơn, nó còn góp phần bảo tồn, gìn giữ, quảng bá vốn quý, độc đáo và giàu bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mình.
Mỗi khi trong buôn có lễ hội, tiệc đám cưới, đám hỏi hay ma chay…, A Yun đều mang những nhạc cụ do mình chế tác ra biểu diễn phục vụ cộng đồng. Ông cũng là một trong những thành viên tích cực suốt hàng chục năm qua của “đội cồng chiêng buôn Kô Sier”, đã cùng đội đi biểu diễn không chỉ ở Tây Nguyên mà còn nhiều vùng trong nước và quốc tế. Trong những chuyến lưu diễn ấy, sau khi phục vụ khán giả xong, ông sẵng sàng tặng những nhạc cụ của mình cho những ai yêu thích như một món quà kỷ niệm rồi về tiếp tục chế tác lại.
Những năm gần đây tuy tuổi đã cao, nhưng ngoài việc chế tác nhạc cụ và tham gia biểu diễn, cứ mỗi kỳ nghỉ hè, ông A Yun lại dành thời gian truyền dạy cho các em học sinh THCS và THPT về cách chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc Ê Đê. Đối với ông, đây là một cơ hội tốt để truyền niềm cảm hứng, sự đam mê của giới trẻ đối với nhạc cụ dân tộc Ê Đê truyền thống.
Theo Lương Định (GD&TĐ)