Quá trình cải cách hành chính: Không để cán bộ yếu kém làm trì trệ
Ðó là vấn đề quan trọng do Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đặt ra khi bàn về các giải pháp để khắc phục triệt để những tồn tại, yếu kém trong công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
Là Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 20.10.2016 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh về cải cách hành chính (CCHC), trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình hành động 05), ông Hồ Quốc Dũng đặt ra nhiều yêu cầu quan trọng, vừa cụ thể vừa bao quát khi điều hành cuộc họp đánh giá tình hình sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động 05 vào ngày 16.8.
Nhận diện “điểm nghẽn”
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động 05, nhiều kết quả được ghi nhận trên các lĩnh vực như xây dựng thể chế, xây dựng bộ phận một cửa, một cửa liên thông, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế… Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Văn Hương, dấu ấn nổi bật là các chỉ số PCI, PAPI, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm sau tăng hơn năm trước.
Cần thường xuyên kiểm tra công tác CCHC, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo CCHC chưa thực sự quyết liệt. Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2016 của Bình Định tăng 12 bậc so với năm 2015; nhưng năm 2017 lại giảm 18 bậc so với 2016, xếp thứ 59/63 tỉnh, thành. TTHC trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp. Số lượng dịch vụ công cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 còn hạn chế. Công tác rà soát, kiến nghị đơn giản hóa TTHC chưa được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết TTHC ở một số lĩnh vực như đất đai, đăng ký đầu tư, cấp phép xây dựng còn diễn ra thường xuyên, gây bức xúc cho người dân và tổ chức.
Đáng chú ý, bộ phận một cửa ở nhiều cơ quan, đơn vị hoạt động chưa hiệu quả, còn hình thức, nhất là ở cấp xã. Theo Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hải Giang, bộ phận một cửa ở nhiều xã đã thành lập, nhưng vẫn giải quyết TTHC ở các phòng chuyên môn. “Một cửa nếu không hiện đại thì hiệu quả không cao, người dân không giám sát được quá trình giải quyết TTHC. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cũng không kiểm soát được cán bộ, công chức của mình làm việc như thế nào”, ông Giang phân tích.
Nguồn: BTV
Nhân lực là gốc
Một trong những khó khăn được nêu ra trong quá trình hiện đại hóa nền hành chính công là cơ sở vật chất tuy đã được đầu tư nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Lê Hoàng Nghi khẳng định ngành Tài chính sẽ ưu tiên kinh phí cho công tác CCHC, đặc biệt là mua sắm trang thiết bị phục vụ.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, cái gốc của vấn đề nằm ở nhân lực. “Thực tế cho thấy, sở hay huyện, xã nào bố trí cán bộ tốt thì công việc chạy thôi. Thế nhưng nhiều nơi, nhất là ở cấp xã, cán bộ trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu mà còn quan liêu, xa rời dân. Cán bộ thiếu ý thức, chỉ nghĩ tới việc gây khó dễ để người ta năn nỉ mình. Người tốt thì đam mê, phải suy nghĩ làm sao để cải tiến, làm tốt công việc để người dân hài lòng. Thủ tục có tốt mấy mà con người không chuyển biến trong nhận thức thì cũng không xong!”, ông Dũng nhấn mạnh.
Từ đó, người đứng đầu chính quyền tỉnh đặt ra yêu cầu tránh bố trí cán bộ không phù hợp dẫn đến công việc trì trệ. Thay vào đó, nhân lực làm công tác CCHC phải là người có tâm huyết, năng lực chuyên môn giỏi. “Kiên quyết chuyển đổi vị trí việc làm theo đúng quy định đối với những cán bộ công chức làm việc ở bộ phận trực tiếp phục vụ tổ chức, công dân; tránh tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính”, ông Dũng yêu cầu.
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, địa phương cần tích cực rà soát các lĩnh vực còn yếu kém trong công tác CCHC để có giải pháp khắc phục triệt để, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận liên quan, không thể mãi “tăng cường”, “đẩy mạnh” chung chung.
“Sở TT&TT tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện đánh giá chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước đến nay đã được 6 năm. Thế nhưng, suốt thời gian đó, không có cơ quan nào đứng ở tốp cuối liên hệ với chúng tôi để hỏi vì sao mình xếp hạng thấp và nhờ hướng dẫn giải pháp để cải thiện kết quả. Thời gian tới, đề nghị gắn việc đánh giá lãnh đạo các cơ quan với chỉ số CCHC”.
Giám đốc Sở TT&TT TRẦN KIM KHA
NGUYỄN VĂN TRANG