Những giáo viên mê văn nghệ phong trào
Ban đầu họ đến với hoạt động văn nghệ chủ yếu để tham gia các chương trình của ngành Giáo dục. Nhưng sau đó, nhiều người tích cực đóng góp cho địa phương, trở thành hạt nhân văn nghệ phong trào.
Lớp học nhạc tại nhà thầy Trần Ngọc Sơn, giáo viên Trường THCS Vĩnh Hiệp (Vĩnh Thạnh).
Theo bà Nguyễn Thị Quý Nhất, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, các chương trình văn nghệ, thể thao do thành phố tổ chức, giáo viên tham gia rất đông. Họ khá đa năng, có thể vừa ca hát, múa minh họa, lại vừa hô bài chòi và làm nhạc công. Điển hình là các trường hợp: cô Vương Kim Thơ (Trường Tiểu học Quang Trung), thầy Trần Huệ Thiện (Trường PTCS Nhơn Châu), thầy Trần Hoa Nam (Trường THCS Nhơn Hải)…
Ngoài các hoạt động ở trường, cô giáo Vương Kim Thơ là thành viên đội thông tin lưu động của TP Quy Nhơn, mở lớp nhạc tại nhà truyền dạy cho các em từng làn điệu dân ca. Thầy Trần Huệ Thiện lại là cây bài chòi của thành phố kiêm luôn người truyền dạy loại hình nghệ thuật truyền thống này đến với học sinh xã đảo Nhơn Châu.
Nhiệt tình, sôi nổi với văn nghệ phong trào, cô Cao Thị Lê Hằng (Trường Mầm non phường Bình Định, TX An Nhơn) cho biết: “Khoảng năm 1998, tôi đến với văn nghệ phong trào, tôi tham gia vào đội văn hóa thông tin lưu động của xã, sau đó tập viết tiểu phẩm, tham gia thi ở nhiều chương trình do các cấp tổ chức”.
Ở Tuy Phước, nhiều tiết mục múa do cô Đỗ Giang Vũ, giáo viên Trường Tiểu học Số 1 Phước Sơn dàn dựng gây hiệu ứng rất tốt đối với khán giả. Đặc biệt, ở những tiết mục dành cho thiếu nhi, cô khai thác triệt để yếu tố dân gian, ngây thơ của tuổi nhỏ để mang lại cho tiết mục tính hồn nhiên, trong sáng.
Từ văn nghệ nhà trường tiến đến văn nghệ phong trào ở địa phương cách nhau chỉ một quãng ngắn, có lẽ vì thế mà ngày càng thêm nhiều giáo viên tâm huyết, hăng hái tham gia đóng góp. Việc ươm mầm tình yêu nghệ thuật cho lớp trẻ sẽ có nhiều thuận lợi nếu người truyền dạy là những thầy cô giáo say mê hoạt động phong trào.
THẢO KHUY