Xác định cụ thể đối tượng sẽ tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021
Đó là nội dung sẽ được cụ thể hóa tại Luật Lao động sửa đổi mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) sẽ chủ trì soạn thảo.
Ban soạn thảo dự án Bộ Luật Lao động họp định hướng những vấn đề lớn sửa đổi.
Bộ LĐTBXH đã tổ chức cuộc họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vào ngày 16.8.
Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, Bộ Luật Lao động lúc đầu định sửa đổi một số điều, nhưng sau khi lấy ý kiến các bên, số điều khoản phải sửa rất lớn cho phù hợp với thị trường lao động thời hội nhập. Do đó, Bộ Luật Lao động lần này sẽ sửa đổi toàn diện và có những điều khoản tác động lớn tới người dân, nhất là các nội dung của Bộ Luật liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động. Lần sửa đổi này nhằm chuyển đổi toàn diện Bộ Luật, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Ban chấp hành Trung Ương Đảng, Bộ Chính trị; phù hợp Hiến pháp 2013…
Cụ thể nhất là việc điểu chỉnh tuổi nghỉ hưu theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII. Theo đó sẽ tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi và thực hiện từ năm 2021. “Do đó, Bộ Luật Lao động sửa đổi phải cụ thể hóa định hướng này, đối tượng nào tăng? Tăng trong bao lâu, ngành nghề nào được xác định là đặc biệt nghỉ hưu sớm? Lộ trình điểu chỉnh như thế nào? Hiện Bộ Lao động xác định phương án sẽ tăng tuổi nghỉ hưu từ 1.1.2021, cứ mỗi năm tăng 3 tháng với nam, tăng 4 tháng với nữ đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi”, ông Đào Ngọc Dung cho biết.
Bên cạnh đó, Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung mang tính tăng cường khả năng nhận diện các quan hệ lao động trên thực tiễn, khắc phục tình trạng “lách” các quy định của pháp luật lao động (như giao kết hợp đồng dịch vụ hay hợp đồng cộng tác viên... thay cho hợp đồng lao động trong khi bản chất của mối quan hệ này là quan hệ lao động), đồng thời nghiên cứu điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong thị trường lao động (người lao động làm việc theo các hình thức liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp công nghệ số như: Uber, Grab...) nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ lao động và thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động trong bối cảnh mới.
Các nhóm nội dung lớn trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ điều chỉnh gồm: các nội dung về hợp đồng lao động; làm thêm giờ; Tiền lương tối thiểu và các chính sách Tiền lương (thực hiện theo Nghị quyết số 27-NQ/TW); Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; Vấn đề đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể trong bối cảnh nhiều tổ chức đại diện; Vấn đề giải quyết tranh chấp lao động - đình công; Những sửa đổi, bổ sung khác để đảm bảo tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Theo lộ trình, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (họp tháng 5.2019) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (họp tháng 10.2019).
Theo Báo Tin tức