Quá nhiều giáo viên mất việc trước thềm năm học mới
Cà Mau đồng ý ký lại hợp đồng đối với những giáo viên hợp đồng trước đây ở các điểm trường còn thiếu nhân sự trên địa bàn nhưng phải xem xét kỹ
Ngày 16.8, ông Lữ Đình Tính - Chánh án TAND huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk - cho biết đã tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự về việc tranh chấp hợp đồng lao động (HĐLĐ) giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Ánh Dương (giáo viên hợp đồng) và bị đơn là Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Krông Pắk).
Anh Nguyễn Ánh Dương làm thuê kiếm tiền nuôi 3 con nhỏ, cuộc sống vô cùng khó khăn Ảnh: CAO NGUYÊN
Theo TAND huyện Krông Pắk, sau khi nghiên cứu hồ sơ, xét thấy cần đợi kết quả điều tra của Công an huyện Krông Pắk nên tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án về việc tranh chấp HĐLĐ này. Vụ án được tiếp tục giải quyết khi lý do tạm đình chỉ không còn và có quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự của tòa án.
Thượng tá Nguyễn Văn Dân, Phó trưởng Công an huyện Krông Pắk, cho biết mới nhận được công văn của TAND huyện nên đang xem xét.
Trước đó, anh Nguyễn Ánh Dương đại diện cho 4 giáo viên hợp đồng khác khởi kiện Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai. Theo anh Dương, 4 giáo viên này bị trường chấm dứt HĐLĐ từ ngày 1.6.2016 còn riêng anh là ngày 1.2.2017. Tuy nhiên, trường không ký quyết định, không bố trí công việc, không trả trợ cấp thôi việc và bảo hiểm nên 5 giáo viên khởi kiện trường về hành vi vi phạm HĐLĐ.
Trước đó, UBND huyện Krông Pắk thông báo chấm dứt HĐLĐ với 550 giáo viên hợp đồng dôi dư trong tháng 10.2018, đẩy nhiều giáo viên vào hoàn cảnh khó khăn. Phần lớn các giáo viên đã rời bục giảng, tới các thành phố lớn tìm kế sinh nhai. Riêng anh Dương ở nhà theo đuổi vụ kiện, làm thuê nuôi 3 con nhỏ.
Cùng ngày, ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Cà Mau, cho biết các trường trực thuộc sở còn thiếu hơn 500 người theo quy định của Bộ GD-ĐT; biên chế chưa tuyển dụng là 86 người và HĐLĐ hiện có 264 người. Đối với bậc học mầm non đến THCS trong tỉnh so với biên chế được giao đang thừa hơn 670 giáo viên (thuộc diện hợp đồng).
Ông Luân cũng cho biết tỉnh còn thiếu 1.858 vị trí ở các trường mầm non, THCS và THPT, song lại có trên 1.400 giáo viên do các trường tự ý nhận hợp đồng không thông qua UBND tỉnh, các trường hợp trên đang được tỉnh xem xét. Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau kiến nghị tỉnh cho phép hợp đồng lại với 264 giáo viên hợp đồng của năm học trước để bảo đảm công tác giảng dạy cho năm học mới. UBND tỉnh Cà Mau đã đồng ý ký lại hợp đồng đối với những giáo viên hợp đồng trước đây ở các điểm trường còn thiếu nhân sự trên địa bàn. Tuy nhiên, phải xem xét kỹ, trường hợp giáo viên không đạt yêu cầu thì phải cắt hợp đồng, kể cả trong biên chế.
Trong khi đó, những giọt nước mắt của các giáo viên hợp đồng ở huyện Thanh Oai, TP Hà Nội vẫn chảy khi họ kể về nỗi đau một ngày bỗng nhiên mất việc. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, giáo viên dạy mỹ thuật ở Trường THCS Xuân Dương (huyện Thanh Oai), tâm sự sau 10 năm cống hiến với mức lương hợp đồng vỏn vẹn chỉ 1.390.000 đồng/tháng, nay ông đã nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng. "Cảm giác thật khó tả. Cay đắng. Tôi thấy mình và các đồng nghiệp bị đối xử tàn nhẫn".
Chấp nhận lương thấp vì yêu nghề
Phần đông giáo viên hợp đồng bị mất việc của huyện Thanh Oai đều có chung tâm sự: "Chúng tôi chấp nhận mức lương ấy vì yêu nghề. Nhưng không hiểu nổi tại sao nói Thanh Oai thừa giáo viên mà lại nhận biên chế từ các nơi khác về. 20 năm nay huyện không thi tuyển biên chế giáo viên các môn văn, toán, ngoại ngữ. Với hình thức thi tuyển như hiện nay, có lẽ không bao giờ các giáo viên hợp đồng đỗ công chức do điểm học tập dù khá đến đâu cũng dưới 70, không đấu được với những sinh viên mới ra trường với bảng điểm tuyệt đối là 100".
Theo NLĐ