Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Ðảm bảo quyền lợi công dân
Ðó là khẳng định của trung tá Huỳnh Thị Bích Liên, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (CA tỉnh), xung quanh công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được các địa phương trong tỉnh đồng loạt triển khai. Trung tá Liên cho biết:
- Việc triển khai thu thập thông tin dân cư phục vụ công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) là rất quan trọng. Bởi, thông qua việc tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, để dùng chung nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư phục vụ công tác quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và yêu cầu chính đáng của công dân; góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, xây dựng Chính phủ điện tử.
● Xin bà cho biết công tác thu thập thông tin về dân cư được triển khai trên địa bàn tỉnh như thế nào?
- Thực hiện Công văn số 3996/UBND-NC ngày 6.7.2018 của UBND tỉnh về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg và tổ chức thu thập thông tin dân cư; công văn số 1280/CAT-PC64 ngày 11.7.2018 của CA tỉnh về việc triển khai công tác thu thập thông tin dân cư trên địa bàn tỉnh, hiện nay, CA các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh đã tiến hành công tác thu thập thông tin dân cư trên địa bàn phụ trách.
Cụ thể, các xã, phường, thị trấn đã thành lập các tổ công tác thu thập thông tin dân cư. Căn cứ vào tình hình thực tế, tổ công tác có thể phát phiếu đến từng hộ gia đình và hướng dẫn công dân ghi phiếu hoặc thông báo cho từng hộ dân đến nơi có thể tập trung đông dân cư (nhà văn hóa), tổ chức phát phiếu và hướng dẫn công dân ghi phiếu. Sau khi hoàn thành công tác thu thập trên địa bàn, CA xã, phường, thị trấn tiến hành bàn giao phiếu thu thập thông tin dân cư cho CA huyện, thị xã, thành phố để kiểm tra chất lượng phiếu trước khi tiến hành scan truyền dữ liệu về Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ CA.
CA tỉnh tập huấn cho lãnh đạo CA các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về công tác triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
● Công dân có nghĩa vụ, trách nhiệm gì đối với CSDLQGVDC?
- Xây dựng CSDLQGVDC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tạo nền tảng cho công tác quản lý hành chính nhà nước theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, DN, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và góp phần phát triển Chính phủ điện tử. Trong đó, việc thu thập thông tin dân cư có ý nghĩa hết sức quan trọng quyết định sự thành công của cả hệ thống CSDLQGVDC. Vì vậy, để triển khai thu thập thông tin dân cư đạt hiệu quả, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra, mỗi công dân cần nắm vững các quy định của pháp luật về việc xây dựng, quản lý và khai thác CSDLQGVDC; quyền và trách nhiệm trong việc cung cấp và khai thác thông tin trong CSDLQGVDC.
Trong quá trình tổ chức thu thập thông tin dân cư, đề nghị công dân phối hợp thực hiện một số nội dung sau: Căn cứ vào các giấy tờ tùy thân, như sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh… đã được cấp và hướng dẫn của cơ quan CA để kê khai đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin cơ bản theo quy định tại Khoản 1, Điều 9 Luật Căn cước công dân của bản thân và người thân trong hộ gia đình vào phiếu thu thập thông tin dân cư do Bộ CA phát hành; xuất trình các giấy tờ chứng minh thông tin nhân thân phục vụ việc kiểm tra, xác thực tính chính xác của thông tin dân cư được kê khai trong phiếu thu thập thông tin dân cư; kiểm tra, ký xác nhận vào mẫu phiếu thu thập thông tin dân cư để đảm bảo căn cứ pháp lý của thông tin được thu thập, cập nhật vào CSDLQGVDC.
Sau khi hoàn thành việc xây dựng hệ thống CSDLQGVDC, mỗi người dân được quyền khai thác thông tin của mình trong CSDLQGVDC để giải quyết thủ tục hành chính và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp khác. Bên cạnh đó, để đảm bảo thông tin trong CSDLQGVDC được cập nhật kịp thời, mỗi người dân cũng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin khi có sự thay đổi theo quy định.
● Người dân sẽ không khỏi lo ngại về việc thông tin cá nhân của mình có thể bị tiết lộ hoặc khai thác vào mục đích khác. Việc này được giải quyết như thế nào, thưa bà?
- Việc khai thác và sử dụng dữ liệu CSDLQGVDC đã được quy định rõ tại Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó: Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong CSDLQGVDC thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Công dân được khai thác thông tin của mình trong CSDLQGVDC. Tổ chức và cá nhân không thuộc các trường hợp trên có nhu cầu khai thác thông tin trong CSDLQGVDC phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý CSDLQGVDC theo quy định của pháp luật.
Hơn nữa, Luật Căn cước công dân quy định công dân có quyền được đảm bảo bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong CSDLQGVDC, trừ trường hợp cung cấp thông tin tài liệu theo luật định. Và cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chỉ được sử dụng thông tin về công dân trong CSDLQGVDC để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoặc giải quyết thủ tục hành chính. Do vậy, những thông tin mang tính chất riêng tư, cụ thể, chi tiết thì cơ quan chức năng không được cung cấp nếu không có sự đồng ý của công dân hoặc pháp luật có quy định khác.
● Xin cảm ơn bà!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)