Sản xuất nông nghiệp năm 2014:
Đẩy mạnh xây dựng cánh đồng mẫu lớn
Xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML), tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung khép kín, có sự tham gia của 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp), gắn với tiêu thụ và chế biến nhằm tăng hiệu quả sản xuất, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình xây dựng CĐML của tỉnh vừa họp đánh giá kết quả xây dựng CĐML năm 2013 và bàn biện pháp xây dựng CĐML trong thời gian đến.
Năm 2013, trước tình hình thiếu nước tưới nghiêm trọng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, duy trì và phát triển Chương trình xây dựng CĐML, nhằm hạn chế rủi ro, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Thực tế cho thấy, trong năm 2013 có 13.470 nông hộ ở 11/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham gia xây dựng 102 CĐML sản xuất lúa, bắp, đậu phụng, mía với tổng diện tích gần 4.300 ha, trong đó, vụ Đông Xuân (ĐX) có 58 CĐML, vụ Hè Thu (HT) 44 CĐML.
Hiệu quả từ thực tế
Theo đánh giá của BCĐ Chương trình xây dựng CĐML của tỉnh, hầu hết CĐML tại các địa phương đều hội đủ các tiêu chí của Bộ NN-PTNT đề ra, như: quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với quy hoạch chung; có quy mô từ 30-50 ha trở lên, nông dân tự nguyện tham gia sản xuất; có doanh nghiệp (DN) tham gia hỗ trợ vật tư, thuốc BVTV; chính quyền địa phương và HTXNN thực hiện một số dịch vụ, cam kết hỗ trợ về kỹ thuật, tổ chức sản xuất; hiệu quả kinh tế CĐML cao hơn bình thường, đảm bảo nông dân có lãi từ 40% trở lên.
Đối với cây lúa, qua quá trình tập huấn, nông dân đã áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nên đã giảm được chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, tăng lợi nhuận. Hầu hết các CĐML sản xuất lúa (vụ ĐX và vụ HT 2013 có 96 CĐML sản xuất lúa với tổng diện tích 3.938 ha) đều đạt tiêu chí quan trọng là giảm được chi phí đầu vào, năng suất và lợi nhuận tăng cao so với ruộng đối chứng. Năng suất lúa bình quân đạt từ 70,3 - 72,3 tạ/ha, cao hơn ngoài CĐML từ 4-7 tạ/ha; lợi nhuận bình quân 16,15 triệu đồng/ha, tăng trên 5 triệu đồng/ha.
Các CĐML sản xuất cây trồng cạn (2 CĐML sản xuất đậu phụng, diện tích 100 ha; 1 CĐML sản xuất bắp làm thức ăn chăn nuôi, diện tích 100 ha; 3 CĐML sản xuất mía, diện tích 117 ha) cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đáng chú ý là 2 CĐML sản xuất đậu phụng tại xã Cát Hiệp và Cát Trinh (Phù Cát) đạt lợi nhuận trên 42,4 triệu đồng/ha.
Theo đánh giá chung, sự liên kết “4 nhà” thể hiện rất rõ trong quá trình thực hiện CĐML năm 2013 ở tỉnh ta. Qua đó, Nhà nước và nhà khoa học rút ra được những kinh nghiệm thiết thực trong việc điều hành, chỉ đạo, quy hoạch sản xuất và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh… cho nông dân. Bà con nông dân có điều kiện tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, nâng cao hiệu quả sản xuất. DN chủ động được hoạt động sản xuất kinh doanh…
Đẩy mạnh xây dựng CĐML
Theo kế hoạch, vụ ĐX 2013-2014, toàn tỉnh xây dựng 132 CĐML sản xuất lúa, bắp, đậu phụng, rau màu, mì và mía với tổng diện tích trên 5.300 ha. Trong đó có 115 CĐML sản xuất lúa, diện tích 4.500 ha; 5 CĐML sản xuất đậu phụng, diện tích 250 ha; 5 CĐML sản xuất rau màu, diện tích 200 ha; 5 CĐML sản xuất mía, diện tích 250 ha; 2 CĐML sản xuất mì, diện tích 100 ha.
Tại cuộc họp, ý kiến của lãnh đạo chính quyền và ngành chức năng các địa phương trong tỉnh đều thống nhất cao chủ trương xây dựng CĐML của tỉnh, đồng thời cam kết nỗ lực thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng CĐML năm 2014.
Theo ông Hồ Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó BCĐ Chương trình xây dựng CĐML của tỉnh, để chương trình đạt hiệu quả, cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự tích cực của các HTXNN cùng các hội-đoàn thể và nông dân tham gia xây dựng CĐML. Bởi thực tế cho thấy, địa phương nào có sự đồng thuận cao của Đảng ủy, chính quyền, các hội- đoàn thể trong quá trình triển khai CĐML đều đem lại kết quả tốt. Trên cơ sở các tiêu chí chung về CĐML của Bộ NN-PTNT, các địa phương cũng cần căn cứ điều kiện cụ thể để xây dựng cho phù hợp với các tiêu chí và xác định cây trồng thế mạnh đưa vào sản xuất nhằm đảm bảo hiệu quả và phát triển bền vững hơn.
Cũng theo ông Hồ Ngọc Hùng, cần chủ động kêu gọi và tạo điều kiện cho các DN, đơn vị nghiên cứu, lực lượng khuyến nông tham gia thực hiện các dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm…, cũng như giới thiệu, thử nghiệm các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới trên những CĐML. Mặt khác, cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ kỹ thuật ở cơ sở, cán bộ phải chịu khó bám sát ruộng đồng, tích cực hỗ trợ nông dân về kỹ thuật nhưng không áp đặt, để nông dân chủ động và tự giác triển khai áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào thực tế.
Cơ quan quản lý chuyên ngành cần rà soát, lựa chọn những DN có đủ năng lực, uy tín, giới thiệu cho các địa phương để làm đối tác, hỗ trợ việc ký kết hợp đồng, quản lý thực hiện đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Các địa phương cần có sự liên kết chặt chẽ với các DN, nhất là đối với các DN có khả năng bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Về phía nông dân - người trực tiếp sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp - cần chủ động, sáng tạo trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, không nên trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, không nên quá bảo thủ với phương pháp canh tác truyền thống, có tinh thần chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp khoa học kỹ thuật với cộng đồng để cùng tiến bộ.
PHẠM TIẾN SỸ