Bánh dây một khúc tâm tình
Bánh dây là món ăn giản dị, mộc mạc mang đậm dấu ấn địa phương của người Bồng Sơn, Hoài Nhơn. Nghĩ về Bồng Sơn cùng với bưởi, các loại bánh ngọt, hương vị mặn mà của bánh dây cũng nhẹ nhàng len vào. Quả vậy, không chỉ người Bồng Sơn, người Bồng Sơn xa xứ mà cả những người từng một lần ăn bánh dây ở Bồng Sơn đều nhớ hương vị dân dã của món ăn này.
Bánh dây là món ăn giản dị, mộc mạc mang đậm dấu ấn địa phương của người Bồng Sơn, Hoài Nhơn.
- Trong ảnh: Lò sản xuất bánh dây truyền thống của hộ chị Thạch Thị Liên ở khối 5, thị trấn Bồng Sơn.
Theo chỉ dẫn của chị Thạch Thị Liên (SN 1960) - chủ một lò bánh dây có tiếng hiện nay ở thị trấn Bồng Sơn, tôi tìm đến nhà bà Hồ Thị Định (SN 1956) ở khối 6 - người được xem là hậu duệ đời thứ 4 trong một gia đình có 3 thế hệ nối tiếp làm nghề bánh dây truyền thống ở Bồng Sơn. Bà Định vui vẻ kể: “Tôi về làm dâu nhà thì đã nghe chuyện ông bà cố chuyên sống bằng nghề làm bánh dây, bánh hỏi và bánh đúc. Những năm trước 1975, cuộc sống cơ cực, chiến tranh kéo dài, cả gia đình phải đi lánh nạn nhiều nơi, nhưng dù ở đâu thì cả nhà tôi vẫn mưu sinh bằng nghề làm bánh dây. Bánh dây không chỉ nuôi sống gia đình tôi mà còn nối tương lai cho rất nhiều gia đình khác, đến giờ vẫn vậy!”.
Bà Hồ Thị Định là người nối nghề truyền thống của một gia đình đã có 4 đời làm bánh dây, nhưng người làm bánh dây có thâm niên, cao tuổi nhất hiện còn sống là bà Nguyễn Thị Chấp (SN 1937) và bà Phan Thị Lụa (SN 1946) ở khối 6. Các cụ vui vẻ kể về nghề và không hề giấu giếm. Tất cả các loại bánh trái cho bà con mình ăn, cách làm đều đơn giản, không cầu kỳ, từ chuẩn bị nguyên liệu đến chế biến, thưởng thức.
Muốn làm bánh dây có mùi vị thơm ngon ăn mãi không ớn trước hết phải chọn cho được gạo trộng, trắng và suông đều, tiếp đến đem ngâm gạo với nước. Cần phải đủ nước để gạo thấm nước đều vào đến lõi. Nếu dư nước khi ngâm, bột xay sẽ bị lỏng, còn thiếu nước bột xay không mịn, người quen nghề sẽ biết kiểu gạo gì thì ngâm bao lâu, với từng nào nước. Gạo ngâm xong, dùng rổ tre vớt ra, hong cho thật ráo rồi mới đem xay bằng cối xay đá. Để bánh khi hấp chín có mùi vị măn mẳn, thơm, dai màu sắc đẹp người thợ dùng tro bếp mà tốt nhất là dùng nước tro từ củi than dừa khuấy với nước lạnh đợi khi nước lóng thật trong mới chắt, lúc xay cho thêm nước tro vào cùng với gạo, bột xay sẽ dần chuyển sang màu vàng óng.
Bột xay xong cho vào chảo khuấy đều dưới lửa than liu riu đến khi nặng tay, bột co lại thì vớt ra đưa lên bàn dùng con lăn gỗ lăn qua, lăn lại cho thật mỏng và mịn rồi cuốn thành từng cuộn tròn đưa vào khuôn ép, khi ép dùng vỉ huơ tròn đều để rải những cọng bánh từ khuôn ép xuống sau đó xếp những vĩ bánh thành chồng đưa vào lò để hấp chín lại một lần nữa mới sử dụng.
Không chỉ người Bồng Sơn, người Bồng Sơn xa xứ mà cả những người từng một lần ăn bánh dây ở Bồng Sơn đều nhớ hương vị dân dã của món ăn này.
Bánh dây không giống như bánh hỏi, nếu ăn chung với các loại thịt, bánh sẽ không còn hương vị đặc trưng nữa. Ngoài chén nước chấm bằng mắm pha loãng có vị ngọt của đường, vị nồng của ớt, tỏi, rải thêm chút đậu phụng rang trên bề mặt dĩa bánh. Muốn ngon hơn thì kèm theo một dĩa rau sống và một chiếc bánh tráng gạo nướng giòn cho rôm rả. Bánh dây là loại bánh ăn chơi cho vui của giới bình dân, nên không ai ăn đến no. Cách thưởng thức này khiến bánh thêm một chút ý vị.
Hiện nay, người làm bánh dây chủ yếu tập trung ở 2 khối 5, 6 với 9 hộ chuyên nghiệp, sản phẩm làm ra hầu hết chỉ phục vụ cho nhu cầu địa phương. Đáng kể nhất là lò bánh của gia đình chị Thạch Thị Liên với nhiều mối hàng ở Nha Trang, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh… Chị Liên tâm sự: “Các công đoạn làm bánh dây hầu như đều thực hiện bằng phương pháp thủ công chưa có điều kiện đầu tư máy móc hỗ trợ, nên muốn có số lượng lớn cũng khó. Sản lượng thấp, lại chia cho nhiều người nên thu nhập chưa cao, được cái là có công ăn việc làm thường xuyên. Vả lại, có lúc nhiều lúc ít nhưng ai ăn bánh dây rồi là nhớ, là muốn có dịp ăn lại nên mình càng thêm muốn giữ nghề. Làm ra cọng bánh vừa thơm vừa sáng, vàng, ráo khô nghe người ăn khen một tiếng cũng thấy cái công mình nó đáng!”.
Ông Nguyễn Xuân Tú, Chủ tịch UBND thị trấn Bồng Sơn, cho biết: “Thực hiện chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP), chúng tôi đã tiến hành khảo sát và thống nhất chọn bánh dây là sản phẩm truyền thống đặc trưng của Bồng Sơn. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ tìm cách để hỗ trợ, ưu tiên các nguồn vốn giúp các hộ sản xuất đầu tư thiết bị máy móc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiến hành xây dựng thương hiệu Bánh dây Bồng Sơn, quảng bá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài địa phương”.
DIỆP BẢO SƯƠNG