Giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Góp phần nâng cao chất lượng dân số, Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Ðề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020” đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực.
Theo số liệu điều tra đến cuối năm 2015, trong số 23.053 người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã kết hôn, có 6.371 người tảo hôn; tỉ lệ 27,63%. Thực trạng này buộc tỉnh ta nghiên cứu, triển khai các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, phòng chống.
Trong tháng 8.2018, Ban Dân tộc tỉnh đã tuyên truyền, cấp tài liệu về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho người dân tộc thiểu số tại huyện Vân Canh.
Xây dựng mô hình điểm
Năm 2016, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020”, Ban Dân tộc tỉnh (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện đề án) đã xây dựng mô hình điểm tại xã Vĩnh Sơn và Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh). Qua điều tra, khảo sát, trong năm 2016, xã Vĩnh Sơn có 10 người kết hôn không đúng tuổi, tỉ lệ 16,39% trong tổng số 61 cặp kết hôn. Trong đó, 2 người kết hôn ở tuổi 15; 1 người ở tuổi 16; 3 người ở tuổi 17 và 4 người chưa đủ 18 tuổi.
Tại Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh, đến cuối năm 2016, có 409 học sinh người dân tộc thiểu số đến từ các xã thuộc huyện Vĩnh Thạnh và huyện Tây Sơn. Số lượng học sinh bỏ học bình quân mỗi năm ở bậc THCS là 6 học sinh; bậc THPT là 25 học sinh. Trong đó, học sinh bỏ học để lập gia đình bình quân mỗi năm ở bậc THCS là 1 học sinh; bậc THPT là 5 học sinh. Chủ yếu trong số này là học sinh nữ.
Trên cơ sở khảo sát này, các hội nghị chuyên đề về “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết” tại 6 làng của xã Vĩnh Sơn và học sinh khối THCS, THPT của Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh đã được tổ chức. Đồng thời, Tổ tư vấn ở 6 làng và tổ truyền thông, tư vấn ở các lớp cũng được thành lập để tuyên truyền, vận động trực tiếp người dân, học sinh thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình, Pháp lệnh Dân số góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và bỏ học vì tảo hôn.
Ban chỉ đạo mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Vĩnh Sơn”. Thông qua đó, đánh giá thực trạng, nguyên nhân và đề ra giải pháp căn cơ để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã Vĩnh Sơn nói riêng và trong cộng đồng người dân tộc thiểu số trong tỉnh nói chung. Ban Dân tộc tỉnh phối hợp Tỉnh đoàn, Huyện đoàn Vĩnh Thạnh và Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh tổ chức Ngày hội văn hóa thanh niên dân tộc thiểu số, lồng ghép nội dung liên quan đến tảo hôn theo hình thức sân khấu hóa, góp phần đưa thông điệp tuyên truyền gần gũi hơn với học sinh.
Bổ sung vào hương ước, quy ước
Năm 2018, Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tiếp tục tập trung cho hai mô hình điểm bằng các giải pháp cụ thể. Trong đó, chú trọng hoạt động ký cam kết thi đua không vi phạm tảo hôn và kết hôn cận huyết thống giữa các hộ gia đình với làng, giữa các làng với nhau dưới sự chứng kiến của chính quyền. Đồng thời, đưa một số nội dung có liên quan đến việc phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết vào quy ước, hương ước của làng.
Trên cơ sở tổng kết 3 năm thực hiện mô hình tại xã Vĩnh Sơn và Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh (dự kiến trong quý 4.2018), mô hình điểm về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại trường học được nhân rộng ra 3 huyện: An Lão, Vân Canh, Hoài Ân.
Nhấn mạnh tính cộng đồng, cùng giám sát, vận động, nhắc nhở nhau trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động ký cam kết không vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không dừng lại ở 6 làng thuộc xã mô hình điểm Vĩnh Sơn mà được mở rộng ra 102 thôn, làng thuộc 21 xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thuộc 5 huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn. Trưởng thôn, người già uy tín, cán bộ phụ nữ, thanh niên... ở các làng sẽ là lực lượng nòng cốt phát hiện kịp thời những đối tượng có nguy cơ tảo hôn, vận động, can thiệp để ngăn chặn vụ việc.
Hoạt động truyền thông được chú trọng khi Ban Dân tộc tỉnh phối hợp Sở Tư pháp biên soạn sổ tay Hỏi - Đáp về hôn nhân, gia đình, tờ tuyên truyền “Nói không với tảo hôn”, “Nói không với hôn nhân cận huyết”; phối hợp với Tỉnh đoàn và Huyện đoàn các huyện tổ chức diễn đàn tuyên truyền bằng các hình thức hội thi, sân khấu hóa...
NGUYỄN MUỘI