Xét nghiệm máu: Ðể ta là bác sĩ của chính mình
Xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm phổ biến và cần thiết để theo dõi hiện trạng của cơ thể. Hơn nữa, xét nghiệm này còn giúp tầm soát, phát hiện nguy cơ mắc bệnh kịp thời. Do đó, xét nghiệm máu là việc làm không thể thiếu nếu bạn thật sự quan tâm đến sức khỏe của mình.
Ngày nay y học hiện đại có thể chẩn đoán lâm sàng với hàng trăm tiêu chí khác nhau từ một mẫu máu. Từ kết quả xét nghiệm, thầy thuốc sẽ tư vấn cho ta cách điều chỉnh thích hợp nhằm duy trì, nâng cao sức khỏe; cảnh báo các bệnh mắc phải trong tương lai để có phương án điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt, phòng tránh bệnh tốt hơn.
Lấy máu xét nghiệm tại Phòng Xét nghiệm Y khoa Minh Tâm (TP Quy Nhơn).
Để ta là bác sĩ của chính mình
Xét nghiệm máu phổ biến bậc nhất là xét nghiệm để xác định nhóm máu. Phổ biến và cần thiết bởi khi ta cần tiếp máu, thời gian được tính bằng phút. Xét nghiệm máu định kỳ trên những tiêu chí nhất định sẽ cung cấp cho ta các thông số kỹ thuật về thực trạng các chất trong cơ thể như: đường (glucose), mỡ, chất điện giải… Nắm được các thông số này, bác sĩ sẽ có hướng tư vấn để ta thiết lập chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Cùng với đó, thực hiện xét nghiệm định kỳ còn giúp tầm soát được rất nhiều bệnh, ngăn ngừa nhiều nguy cơ như: ung thư, phát hiện dấu hiệu tiên phát của một số bệnh như tiểu đường, mỡ máu (nếu hàm lượng của 2 chỉ số cholesterol và triglyceride cao hơn mức quy định thì sẽ có khả năng mắc bệnh tim mạch), các bệnh có liên quan đến gan, thận, chẩn đoán nhiễm HIV…
Chị Thái Thị Thanh Lệ (27 tuổi, ở Tuy Phước) cho biết: “Khi hơn 10 tuổi, tôi có dấu hiệu đau nhức chân âm ỉ, sau khi đi khám và xét nghiệm máu thì bác sĩ bảo tôi bị thấp khớp, nếu không phát hiện sớm sẽ dễ chuyển sang bệnh tim. May là sau thời gian chữa trị thì giờ tôi đã trở lại cuộc sống bình thường. Cũng từ đó tôi thường xuyên thực hiện các đợt xét nghiệm định kỳ để biết diễn biến của thể trạng!”. Hay bà Lê Thị Phương Thủy (52 tuổi, ở TX An Nhơn) thường hay mệt mỏi, chóng mặt, sút cân, đi khám và thực hiện xét nghiệm máu mới biết là bị suy nhược nặng, cần nghỉ ngơi, bổ sung đủ chất.
Tuy nhiên, không nên chờ có dấu hiệu bệnh rồi mới đi đến các cơ sở y tế. Để hiểu rõ sức khỏe bản thân tốt nhất, mọi người nên đi xét nghiệm định kỳ. Th.S Đoàn Đăng Việt, Phòng Xét nghiệm Y khoa Minh Tâm (TP Quy Nhơn), tư vấn: “Mọi người ở mọi lứa tuổi nên xét nghiệm tổng quát để hiểu về cơ thể mình hơn, điều chỉnh lại nhịp độ sống, chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh bổ sung dưỡng chất cho cơ thể hay thực hiện điều trị dự phòng nếu cần. Mỗi người hãy là một bác sĩ của chính mình!”.
Vài lưu ý khi đi xét nghiệm máu
Tổng hợp ý kiến từ các chuyên gia, kỹ thuật viên y tế thì những chỉ số không nên bỏ qua khi thực hiện xét nghiệm máu là: glucose (đường trong máu); SGOT, SGPT, GGT (nhóm men gan); những chỉ số về mỡ máu (cholesterol, triglyceric, LDL-Cho, HDL-Cho); ure, creatinin (chức năng thận), uric (chỉ số này cao quá mức cho phép sẽ gây ra bệnh gút); kết quả miễn dịch (Anti HBs - kháng thể chống virut viêm gan B trong máu, HbsAg - virut viêm gan siêu vi B trong máu)… Có thể nói đây là những thông số nền tảng của sức khỏe mỗi người. Tất nhiên còn có nhiều thông số khác nữa mà nếu có điều kiện bạn nên thực hiện xét nghiệm.
Hiện nay, việc xét nghiệm được các thiết bị y khoa hiện đại hỗ trợ rất nhiều, tuy nhiên lời khuyên của các bác sĩ là nên chọn những cơ sở xét nghiệm hợp chuẩn, đã có uy tín, vì việc đọc và phân tích kết quả đòi hỏi người có nhiều kinh nghiệm.
Nói thêm về vấn đề này, bác sĩ Trần Như Luận - Phó Chủ tịch Hội Y học tỉnh Bình Định - trao đổi: “Các chỉ số xét nghiệm là cơ sở để người đọc kết quả có lời khuyên, kiến nghị, hướng dẫn phù hợp giúp người xét nghiệm giữ gìn, cải thiện sức khỏe. Và hơn hết, những thầy thuốc giỏi còn có thể vừa động viên, trấn an người được xét nghiệm, vừa chỉ ra cách thức phù hợp để cải thiện thể trạng”.
Để có kết quả xét nghiệm chính xác, cần:
* Ít nhất trong 3 ngày trước khi đi xét nghiệm không nên ăn ngọt nhiều, kể cả trái cây vì có những loại chứa lượng đường rất cao; không nên uống cafe, bia rượu vì chúng sẽ làm men gan, men tim tăng.
* Không nên uống thuốc trước khi xét nghiệm.
* Nên đến lấy máu xét nghiệm vào sáng sớm.
THẢO KHUY