Nguyên nhân và cách phòng tránh thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là bệnh phổ biến có thể gây tàn phế nếu không được điều trị đúng phương pháp. Tuy nhiên, căn bệnh nguy hiểm này có thể phòng ngừa được bằng những biện pháp đơn giản.
Bác sĩ Trần Văn Trung - Trưởng khoa Nội trung cao, BVĐK tỉnh, cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh thoát vị đĩa đệm nhưng hay gặp nhất là do bê vác vật nặng sai cách. Thay vì ngồi xuống bê vật rồi từ từ đứng lên, nhiều người có thói quen đứng rồi cúi xuống, nhấc vật nặng lên. Việc mang vác nặng sai tư thế này dễ gây chấn thương đốt sống lưng. Nhiều thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng ảnh hưởng xấu tới xương khớp như tư thế ngồi làm việc không đúng cách gây cong vẹo cột sống, tập thể dục không đúng cách gây thoái hóa khớp, trật khớp…
Thoát vị đĩa đệm có thể để lại những hậu quả và những biến chứng nguy hiểm. Thứ nhất, bệnh nhân có thể bị tàn phế suốt đời do bị liệt trong trường hợp đĩa đệm thoát vị chèn ép tủy sống rễ thần kinh. Khi bị chèn ép các dây thần kinh vùng thắt lưng cùng, bệnh nhân có thể bị chứng đại tiện, tiểu tiện không tự chủ do rối loạn cơ tròn. Ngoài ra bệnh nhân bị teo cơ các chi nhanh chóng, khiến sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí mất khả năng lao động.
Muốn chẩn đoán chính xác thoát vị đĩa đệm, nên chụp MRI. Để điều trị nên phối hợp các biện pháp điều trị nội khoa, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, điều trị ngoại khoa khi có thoát vị đĩa đệm gây chèn ép rễ thần kinh.
Để phòng bệnh thoát vị đĩa đệm nên duy trì chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; thường xuyên tập thể dục để có một cơ thể khỏe mạnh và cột sống vững vàng. Cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế mọi nguy cơ bị chấn thương khi lao động, tham gia giao thông, các vận động, động tác thể thao quá mức và kéo dài. Giữ gìn tư thế cột sống đúng trong sinh hoạt hằng ngày. Trẻ em cần ngồi học đúng tư thế để phòng tránh tật gù vẹo cột sống có thể gây thoát vị đĩa đệm sau này.
Khi vác vật nặng nên gập gối, thẳng lưng, bê vật gần người nhất. Nếu phải đứng lâu, nên dùng ghế tựa thấp để chân, thay đổi chân từng bên cứ 5-10 phút đặt lên ghế/lần. Nếu phải ngồi lâu nên có thời gian nghỉ để tránh căng cứng các cơ. Khi ngồi làm việc có thể để gác chân cao hơn 1 chút so với háng. Dùng ghế xoay để hạn chế xoắn vặn cột sống. Tránh đi giày, guốc quá cao, nên dùng giày dép vật liệu mềm...
MINH PHƯỢNG