Ðể Luật An ninh mạng đi vào cuộc sống
Luật An ninh mạng được Quốc hội khóa XIV, tại kỳ họp thứ 5 thông qua, gồm 7 chương, 43 điều và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2019.
Luật An ninh mạng là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và người dân, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh quốc gia và phòng, chống tấn công mạng. Thế nhưng, trong thời gian qua, các phần tử phản động, cơ hội cực đoan vẫn cố tình ngụy tạo, xuyên tạc, cản trở Luật An ninh mạng đi vào cuộc sống. Họ cho rằng: “Luật An ninh mạng gây quan ngại về quyền con người và ảnh hưởng tới thương mại quốc gia”; “Luật An ninh mạng xâm phạm các quyền và lợi ích của người dân, của DN”... Với luận điệu đó, cùng với các thông tin mạng ở nước ngoài dẫn dắt, một số đối tượng chống phá trong nước đã kích động một bộ phận người dân gây rối ở một số nơi, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Thực tế, các thế lực thù địch đã sử dụng phương thức mới là dùng mạng xã hội làm công cụ tấn công cơ quan, tổ chức, thậm chí còn kích động gây rối, gây bạo loạn. Chúng sử dụng hacker (tin tặc) gây ra những rối loạn về tư tưởng, bất ổn kinh tế, chính trị và xã hội. Còn nhớ tháng 3.2017, chúng sử dụng tin tặc tấn công hàng loạt website sân bay trong nước, khiến nhiều chuyến bay bị gián đoạn, đảo lộn. Hoặc thông qua internet, mạng xã hội đã từng phát tán những thông tin thất thiệt, với các nội dung từ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến khủng bố tinh thần, thậm chí còn đe dọa đưa lên mạng bôi xấu đời tư của cá nhân, khiến nhiều gia đình tan nát, cuộc sống bị xáo trộn, thậm chí không ít người còn tìm đến cái chết... Điều nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch còn sử dụng internet, mạng xã hội để chống phá Nhà nước ta bằng việc kích động người dân tụ tập đông người, biểu tình, gây bất ổn chính trị xã hội.
Khác với Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin mạng…, Luật An ninh mạng quy định: “Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng…bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng…”; đồng thời, quy định cụ thể nhằm loại bỏ thông tin xấu, độc hại ngay tại gốc, từ những trang mạng mà các thế lực thù địch đang sử dụng để chống phá Nhà nước ta. Luật An ninh mạng còn làm cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học xử lý những kẻ lợi dụng internet, mạng xã hội làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, DN; đặc biệt xử lý nghiêm những kẻ mưu toan chống phá chế độ, chống phá sự đoàn kết; gây rối trật tự, an toàn xã hội. Mặt khác, Luật An ninh mạng bảo vệ để người dân và DN có một môi trường thông tin chân thực, lành mạnh, thoát khỏi tình trạng bị ô nhiễm bởi thông tin xấu, thông tin độc hại.
Vì vậy, việc cản trở Luật An ninh mạng đi vào cuộc sống của những kẻ xấu là đi ngược lại lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, cần có biện pháp xử lý nghiêm minh.
N.H.H