Đổi mới phương pháp giảng dạy chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới: Ðòi hỏi cấp bách !
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019, Giám đốc Sở GD&ÐT Ðào Ðức Tuấn khẳng định năm học này là năm bản lề để năm học 2019-2020 chính thức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Vậy nên, yêu cầu đặt ra là việc đổi mới phương pháp dạy học thời gian tới phải đạt hiệu quả và tạo chuyển biến thực sự trong toàn ngành.
Các phương pháp dạy học tích cực luôn giúp học sinh hiểu rõ lý thuyết thông qua những thí nghiệm, thực hành.
Những ngày qua, các tổ chuyên môn trong trường mầm non và phổ thông đã họp nhiều lần để thảo luận về kế hoạch giảng dạy cho năm học mới. Tùy vào đặc điểm từng môn học và kinh nghiệm rút ra từ năm học trước, các tổ chuyên môn tiếp tục đổi mới kế hoạch giảng dạy sao cho đảm bảo việc không thoát ly khỏi khung chương trình nhưng vẫn linh hoạt, tạo hứng thú và phát triển năng lực học tập của học sinh.
Tại Trường THPT Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Nhơn), sau khi triển khai thành công 3 chuyên đề vào năm ngoái, tổ Vật lý thống nhất tiếp tục phát huy việc xây dựng chuyên đề trong năm học mới này. Thầy Lê Văn Ẩn - Tổ trưởng Tổ Vật lý của nhà trường cho biết: Cả tổ xây dựng chuyên đề dạy học và cả tổ cùng thảo luận để đưa ra hướng triển khai cùng thời gian thực hiện phù hợp nhất. Hai năm học qua làm theo cách này, với một số nội dung kiến thức, giáo viên không còn truyền đạt một chiều đến học sinh mà tự các em tìm hiểu kiến thức, sau đó mạnh dạn thuyết trình trước thầy cô và bạn bè.
Trên thực tế, ngày càng có nhiều giáo viên và những tổ chuyên môn năng động, tích cực sắp xếp, tích hợp nội dung kiến thức và đổi mới phương pháp truyền đạt. Theo các hiệu trưởng, việc một tổ hoặc một thầy, cô giáo đưa ra những ý tưởng tốt về kế hoạch dạy học của mình phần nào phản ánh năng lực chuyên môn, trách nhiệm với học sinh của họ và kết quả đạt được cuối cùng luôn đáng phấn khởi khi số học sinh khá, giỏi của môn học đó tăng lên. Hiệu trưởng Trường THCS Phước Hiệp, huyện Tuy Phước Huỳnh Văn Hải cho hay: “Bởi cách học cũng phải chuyển biến để đồng bộ với sự đổi mới phương pháp giảng dạy. Chẳng hạn, phần nội dung kiến thức đó trước đó dạy riêng lẻ nhưng giờ được tích hợp với phần khác để hình thành nên một bài giảng bởi hai phần này có liên quan đến nhau thì đòi hỏi học sinh cũng phải thay đổi theo”.
Yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy trong ngành GD&ĐT đã được đưa ra từ nhiều năm trước. Đa số giáo viên cùng cán bộ quản lý các trường đã tham dự nhiều đợt tập huấn về đổi mới dạy học, các trường học và giáo viên được trao dần quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm với kế hoạch giảng dạy và từng bài dạy trên lớp. Đây là động tác chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo các chuyên gia của ngành giáo dục, trong khi nhiều giáo viên đang cố gắng vận dụng để nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học tích cực thì vẫn đang có không ít đồng nghiệp của họ chờ đợi đến khi nào có sách giáo khoa mới thì mới triển khai. “Tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới là Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra khung chương trình chung, cùng với đó là rất nhiều bộ sách giáo khoa xuất hiện, các nhà trường và giáo viên phải sắp xếp kế hoạch dạy học sao cho hợp lý, trong đó có một số môn học như Lịch sử, Địa lý... còn rất cần sự gắn kết với địa phương, đặc điểm vùng, miền”, nhiều chuyên gia nhận định.
Ở năm học bản lề này, đặc điểm nổi trội lên là nếu giáo viên nào đó không tích cực đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, việc tiếp cận không đạt kết quả cao thì những giáo viên ấy chắc chắn sẽ không thể bắt nhịp và đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Ở năm học bản lề này, đặc điểm nổi trội lên là nếu giáo viên nào đó không tích cực đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, việc tiếp cận không đạt kết quả cao thì những giáo viên ấy chắc chắn sẽ không thể bắt nhịp và đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, chương trình giáo dục phổ thông mới”.
NGỌC TÚ