Lãnh đạo FPT, Viettel, VNPT thảo luận với 100 trí thức trẻ người Việt về chiến lược quốc gia 4.0
CMCN 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng tiên phong chuyển đổi số của Việt Nam, chúng ta không thể bỏ lỡ mà cần chủ động nắm bắt.
Chiều 20.8, tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) đã diễn ra chương trình trao đổi, thảo luận về đổi mới sáng tạo và chiến lược quốc gia với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) giữa đoàn 100 người Việt trẻ tài năng làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KH-CN) ở trong và ngoài nước với đại diện lãnh đạo Bộ KH-CN, Bộ KH-ĐT và 3 tập đoàn CNTT – Viễn thông lớn của Việt Nam là Viettel, VNPT, FPT.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy phát biểu tại cuộc gặp mặt.
Sự kiện này là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình kết nối mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam được Bộ KH-ĐT chính thức công bố ngày 19-8. Chương trình nhằm quy tụ và huy động tối đa nguồn lực chất xám, đặc biệt là từ các chuyên gia người Việt được đào tạo bài bản và đang làm việc tại các quốc gia có nền tảng KH-CN phát triển; được kỳ vọng khơi nguồn cảm hứng, tạo sự liên kết mới từ những tinh hoa KH-CN trong và ngoài nước, từ đó lan tỏa thành những động lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, tạo ra sự đổi thay về diện mạo và trình độ phát triển công nghệ của Việt Nam.
Tại đây, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy tin tưởng buổi làm việc và trao đổi với đoàn chuyên gia, nhà khoa học và trí thức Việt Nam trong và ngoài nước hôm nay sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác và ngày càng phát triển trong thời gian tới để đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của nền KH-CN của đất nước.
Theo Bộ KH-CN, 100 người Việt trẻ tham dự sự kiện là những người được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và công tác trong các ngành: CNTT, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, các ngành công nghiệp chế tạo ứng dụng tự động hoá, robotics... Họ có quá trình làm việc chuyên sâu trong các ngành, lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong việc phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại mang tính nền tảng (trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, an ninh mạng, Internet of Things…). Đây là những cá nhân có những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu và lao động; được trực tiếp ghi nhận bởi cơ sở đào tạo, các tổ chức quốc tế có uy tín, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước.
Tại sự kiện, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đã bày tỏ mong muốn 100 nhân tài tham gia cùng FPT đưa ra lời giải hiệu quả cho các bài toán lớn trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào các lĩnh vực chính phủ điện tử, y tế thông minh, giao thông thông minh, tài chính, ngân hàng…
“CMCN 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng tiên phong chuyển đổi số của Việt Nam, chúng ta không thể bỏ lỡ mà cần chủ động nắm bắt. Các tài năng trẻ của Việt Nam có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu trong các ngành, các doanh nghiệp công nghệ như FPT có các dự án, các bài toán ứng dụng xu hướng công nghệ mới nhất vào thực tế hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức. Sự hợp lực của hai bên sẽ tạo nên sức mạnh vô giá để Việt Nam khai thác các cơ hội của CMCN 4.0, trở thành quốc gia tiên phong chuyển đổi số và tham gia chuyển đổi số cho các tập đoàn hàng đầu thế giới” - ông Trương Gia Bình cho biết.
Thời gian qua, FPT đã tập trung đầu tư nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, IoT (Internet of things), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, xe tự hành… tạo ra các dịch vụ mới như chuyển đổi số (digital transformation). Những nghiên cứu này là điểm then chốt để FPT trở thành đối tác tham gia chuyển đổi số và thậm chí là cùng các tập đoàn lớn trên phạm vi toàn cầu nghiên cứu, phát triển giải pháp, ứng dụng trên nền tảng công nghệ IoT như Airbus, GE, Siemen, Microsoft, AWS, Daiwa Institute of Research (DIR), Toppan, Toshiba… Năm 2017, FPT đã ra mắt nền tảng công nghệ FPT.AI cho cộng đồng với hai cấu phần công nghệ xử lý giọng nói và nền tảng hội thoại FPT (FPT.AI – Conversational Platform). Hiện nền tảng này đang có hơn 4.000 nhà phát triển sử dụng; 1,5 triệu ký tự được chuyển thành giọng nói, tương đương hơn 27.000 giờ nói tự động; phát triển các ứng dụng tự động tương tác trò chuyện với người dùng cuối (chatbot) cho khách hàng trong một số lĩnh vực y tế, viễn thông, bán lẻ.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, 3 tập đoàn Viettel, VNPT và FPT đã trình diễn về các công nghệ mới của mình. Các công nghệ này được trình diễn căn cứ trên các lĩnh vực công nghệ của các chuyên gia công nghệ và nhà khoa học tham gia đoàn làm việc để việc kết nối, hợp tác trong nghiên cứu phát triển sản phẩm được hiệu quả.
Theo TRẦN BÌNH (SGGP)