Ðã có “lộ trình” giải quyết phá sản
Bắt đầu từ tháng 8.2018, thông tư liên tịch về phối hợp thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản chính thức có hiệu lực, tháo gỡ nhiều vướng mắc tồn tại trong một thời gian dài.
Thông tư 07 giúp tháo gỡ vướng mắc trong thi hành quyết định phá sản. Ảnh minh họa
Thông tư liên tịch số 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC (Thông tư 07) quy định việc phối hợp thực hiện một số vấn đề về trình tự, thủ tục trong thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản. Đối tượng áp dụng là cơ quan TAND, Viện KSND, cơ quan quản lý Thi hành án dân sự (THADS), cơ quan THADS, chấp hành viên, quản tài viên, DN quản lý - thanh lý tài sản, DN, HTX và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Quy Nhơn Nguyễn Trọng Tài, quy định cụ thể thời hạn giải quyết từng thủ tục là dấu ấn nổi bật của Thông tư 07 giữa thực trạng còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện phá sản DN. Đó là tình trạng “ngắc ngoải” chờ phá sản, khi thủ tục phá sản DN nhiêu khê và thanh lý tài sản kéo dài. Không chỉ rắc rối cho DN và cơ quan quản lý, thực trạng này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động.
Cụ thể, về thủ tục tạm đình chỉ, đình chỉ THA, Thông tư 07 quy định sau khi nhận được thông báo của Tòa án về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định tạm đình chỉ THA về tài sản mà DN, HTX mất khả năng thanh toán là người phải THA. Thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ THA là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án.
Trong khi đó, quyết định của Tòa án giải quyết phá sản được chuyển giao cho cơ quan THADS có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền chủ động ra quyết định THA và phân công chấp hành viên.
Hoạt động định giá và bán tài sản cũng được quy định nghiêm ngặt tiến độ giải quyết. Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản lựa chọn, ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản thanh lý trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu thanh lý tài sản của chấp hành viên.
Về giao tài sản, giấy tờ cho người mua được tài sản thanh lý, Thông tư quy định, sau 30 ngày kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền mà quản tài viên, DN quản lý - thanh lý tài sản không giao được tài sản, giấy tờ cho người trúng đấu giá thì quản tài viên, DN quản lý - thanh lý tài sản có văn bản đề nghị và bàn giao toàn bộ giấy tờ cho cơ quan THADS để thực hiện việc cưỡng chế giao tài sản, giấy tờ.
Đặc biệt, Thông tư 07 quy định cụ thể trách nhiệm và cơ chế giám sát hoạt động của các bên liên quan. Theo đó, chấp hành viên có trách nhiệm giám sát hoạt động của quản tài viên, DN quản lý - thanh lý tài sản trong việc thực hiện thanh lý tài sản của DN, HTX phá sản sau khi có văn bản yêu cầu quản tài viên, DN quản lý - thanh lý tài sản tổ chức thực hiện thanh lý tài sản theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 121 Luật Phá sản.
Chấp hành viên giám sát quản tài viên, DN quản lý - thanh lý tài sản thông qua việc quản tài viên, DN quản lý, thanh lý báo cáo chấp hành viên. Nội dung giám sát của chấp hành viên như sau: Trước khi lựa chọn, thay đổi tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá, quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản báo cáo chấp hành viên. Nội dung báo cáo nêu rõ tài sản đưa ra thẩm định giá, bán đấu giá; tên, địa chỉ của tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá; lý do lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá. Nếu thay đổi tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá thì báo cáo phải nêu rõ lý do thay đổi.
Giải tỏa “cục máu đông”
Ngày 31.7, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo “Ðiểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018”. Tại Hội thảo, ông Ðậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế VCCI đã phân tích sâu những thành quả đáng ghi nhận của pháp luật kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2018. Cụ thể, ngành Tư pháp đã đưa ra hai văn bản pháp lý quan trọng giúp tháo gỡ vướng mắc giải quyết nợ xấu và thi hành quyết định phá sản, đó là Nghị quyết 03/2018/NQ-HÐTP và Thông tư liên tịch 07. “Ðây là 2 vấn đề bị coi là “cục máu đông” của nền kinh tế từ nhiều năm qua do không có những hướng dẫn, giải thích rõ ràng từ cơ quan làm chính sách”, ông Tuấn nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG