Nguồn gốc của từ “Vu lan”?
Hầu như ai cũng biết rằm tháng Bảy hằng năm là lễ Vu lan (còn được gọi là lễ báo hiếu hay gọi gộp là lễ Vu lan báo hiếu); từ chỗ là một trong những ngày lễ quan trọng của đạo Phật, nay ngày lễ này trở thành một sự kiện chung của toàn xã hội với mục đích khuyến khích, cổ vũ việc yêu thương, thờ kính cha mẹ. Tuy nhiên, từ “Vu lan” có nghĩa là gì và bắt nguồn từ đâu không phải ai cũng rõ.
“Vu lan” là dạng rút gọn của tổ hợp “vu-lan-bồn” (cũng gọi là “ô-lam-bà-noa”). Ðây là cách phiên âm Phạn-Hán của từ “ullambana”. Trong tiếng Phạn, “ullambana” có nghĩa là “treo (ngược) lên”. Cho nên, các thiền sư Trung Hoa mới dịch từ này ra tiếng Hán là “đảo huyền” (nghĩa là “treo lên, treo lơ lửng”). Cụm từ “giải đảo huyền” (giải thoát [kiếp nạn bị] treo ngược; hiểu rộng là giải cứu cha mẹ, tổ tiên khỏi kiếp đau khổ) được các nhà sư dùng để chỉ tinh thần của bộ kinh “Vu lan bồn”chính là bắt nguồn từ “ullambana” này.
Như vậy, “vu lan” có nghĩa là “treo ngược lên”, từ này mang nghĩa chỉ nỗi đau đớn tột cùng ở cõi địa ngục. Ðiều này bắt nguồn từ tích “Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ” được chép trong kinh “Vu lan bồn”.
Chuyện kể rằng, ngày xưa có tôn giả Mục Kiền Liên là đệ tử xuất chúng của Ðức Phật, pháp lực vô biên. Khi mẹ ông là bà Thanh Ðề qua đời, Mục Kiền Liên tưởng nhớ và muốn biết mẹ mình hiện tại thế nào nên dùng phép nhìn thấu khắp trời đất. Thấy mẹ mình khi sống làm nhiều điều ác nên chết xuống phải làm kiếp ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ, Mục Kiền Liên động lòng thương xót, bèn đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Mẹ ông do đói lâu ngày nên khi ăn cơm đã dùng một tay che bát cơm vì sợ các cô hồn đến giành. Vì còn “tham, sân, si” nên khi bà đưa cơm lên miệng, cơm hóa thành lửa đỏ không ăn được. Chứng kiến cảnh ấy, Mục Kiền Liên vô cùng đau xót và cầu xin Ðức Phật giải cứu.
Phật bèn dạy: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách là nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ vật cúng vào ngày đó”. Mục Kiền Liên thành tâm làm theo nên giải cứu được mẹ và cả nhiều vong hồn khác. Phật cũng dạy rằng: “Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ thì cũng làm theo cách này”. Từ đó, ngày rằm tháng bảy hằng năm trở thành lễ Vu lan báo hiếu và xá tội vong nhân. Ngày nay, lễ Vu lan là sự kiện nhắc nhở chúng ta yêu thương, thờ kính cha mẹ, và đây là việc hàng ngày, bằng hành động thật chứ không phải chỉ trong những nghi thức tôn giáo. Ðó là lý do vì sao ngay cả những người không phải là tín đồ Phật giáo cũng hòa lòng mình vào ngày lễ này.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ