Phát triển khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo ở Bình Định: Cơ hội & triển vọng
Ngày 20.8, hai nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu trong nước và quốc tế gồm GS Hồ Tú Bảo và GS Nguyễn Hùng Sơn đã đến Trường ÐH Quy Nhơn nói chuyện, trao đổi và giao lưu với cán bộ, giảng viên, sinh viên về chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu trong thời Chuyển đổi số”.
Các giáo sư, chuyên gia về lĩnh vực công nghệ thông tin giải đáp thắc mắc của các giảng viên, sinh viên tại buổi giao lưu.
Theo GS Hồ Tú Bảo công tác tại Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) và Viện John von Neumann, ĐH Quốc gia TP HCM (JVN), trong thời Chuyển đổi số (là quá trình chuyển đổi từ một DN truyền thống lệ thuộc vào hồ sơ, giấy tờ thành DN số sử dụng hóa đơn điện tử, báo cáo qua ứng dụng…), chúng ta có rất nhiều dữ liệu và dữ liệu đang trở thành một tài nguyên cho sự phát triển. Trong điều kiện như vậy, toán học và công nghệ thông tin là hai thành phần chính của một lĩnh vực được gọi là Khoa học dữ liệu (KHDL) và nó cũng là nền tảng của ngành Trí tuệ nhân tạo (TTNT). Việc ngày càng có nhiều dữ liệu và dữ liệu ngày càng lớn thì riêng một mình ngành công nghệ thông tin nói chung không thể giải quyết hết được, câu chuyện phức tạp của xã hội, của sự phát triển cần đến sự có mặt của chuyên ngành dữ liệu lớn (big data).
Ứng dụng của nền KHDL tức là ứng dụng việc kết hợp toán học với công nghệ thông tin có ở rất nhiều lĩnh vực đời sống. Ví dụ trong việc quản lý chính phủ điện tử, lượng văn bản lưu trữ qua nhiều năm rất lớn và khi cần tìm một văn bản nào, công cụ KHDL có thể giải quyết rất nhanh. Tương tự trong công tác chăm sóc sức khỏe, việc lưu trữ và tìm kiếm nhanh chóng dữ liệu của người bệnh có thể giúp tìm hiểu về tình hình bệnh tật của một tỉnh hay nhu cầu về bệnh viện, thuốc men, đưa ra phương pháp hỗ trợ cho việc khám chữa bệnh. Hay trong giao thông vận tải có thể giúp tìm kiếm giải pháp giảm TNGT, hay làm cho việc giao thông ở những điểm đen thuận lợi, an toàn hơn…
Liên quan đến mảng giáo dục và đào tạo, GS Nguyễn Hùng Sơn hiện công tác tại Viện Toán học, khoa Toán - Cơ - Tin học của Trường ĐH Tổng hợp Vacsava (Ba Lan) khẳng định KHDL không chỉ hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, mà còn có thể dùng nó để thay đổi cách học, đưa ra được phương pháp học mới phù hợp với nhu cầu xã hội.
GS Nguyễn Hùng Sơn cho biết: “Để làm được điều đó, chúng ta thường số hóa tất cả hồ sơ và tùy theo khả năng về cơ sở vật chất, có thể tạo ra những cơ sở dữ liệu ở dạng cố định về con người và bài giảng và dữ liệu ở dạng động tức là liên tục thay đổi. Theo đó, sinh viên học càng lâu dữ liệu càng tăng lên và nhờ vậy, chúng ta khảo sát được chất lượng đào tạo cũng như khả năng của từng sinh viên để có thể hỗ trợ các em trong quá trình học tập, trưởng thành cũng như sau này đi làm việc”.
Với tư cách là một điểm đến mới, giàu tiềm năng, Quy Nhơn và các tỉnh thành phụ cận đang là một địa chỉ thu hút các nhà khoa học, các nhà đầu tư mới. Đó là lý do giải thích vì sao gần đây nhiều khoa học cơ bản và cả các nhà khoa học thuộc các ngành ứng dụng đến Quy Nhơn để giao lưu. Theo ông Võ Gia Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TT&TT, với sự có mặt và những cam kết vững chắc, dài hạn của hai công ty phần mềm hàng đầu TMA Solutions và FPT Software tại Bình Định, cộng với việc ĐH Quy Nhơn mạnh dạn tổ chức những buổi giao lưu, mở ra những khoa ngành đào tạo liên quan, đặc biệt có sự tham gia đào tạo của các công ty phần mềm là những điều rất đáng hoan nghênh và cần ủng hộ.
Đến dự buổi giao lưu vào ngày 20.8 có khá đông sinh viên các chuyên ngành khoa học tự nhiên liên quan và phần lớn đánh giá các giáo sư đã giúp họ định hướng cần học những gì, làm những gì để có cơ sở đi theo lĩnh vực TTNT và KHDL. Bên cạnh đó, các công ty phần mềm đang hoạt động tại Bình Định cũng đưa ra nhiều lời tư vấn bổ ích. Ông Nguyễn Hồ Duy Bình, Giám đốc Công ty TMA tại Bình Định tư vấn sinh viên khoa Toán bên cạnh việc học Toán, cần tìm hiểu về công nghệ thông tin, nâng cao vốn tiếng Anh và kiến thức về TTNT, KHDL.
Ở góc độ trường đại học, để giúp sinh viên các khoa có điều kiện tìm hiểu các lĩnh vực ngoài chuyên ngành, GS Nguyễn Hùng Sơn khuyên các trường đại học cần tổ chức thực hiện những đề tài nghiên cứu chung trong toàn trường để tất cả các khoa đều tham gia. Làm như vậy sẽ có sự cạnh tranh, so tài nhưng cũng sẽ hỗ trợ nhau và dẫn đến kết quả tốt hơn.
Trao đổi về việc này, PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn cho biết, trường cũng đã nghĩ đến. “Nắm bắt xu thế phát triển một số ngành nghề mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sau khi phân tích một trong những điểm mạnh của nhà trường là khoa học cơ bản, trong đó toán và công nghệ thông tin là những thế mạnh, trường đang tiến tới việc mở ngành KHDL và sẽ thực hiện cẩn trọng các bước chuẩn bị, đảm bảo chất lượng đầu ra sinh viên ngành học mới này”, ông Mỹ cho hay.
NGỌC TÚ