Nguyễn Tri Phương và tấm bản đồ chiến sự lòng dân
Ngày 28.9, tại TP Đà Nẵng, Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng và Huế đã tổ chức hội thảo khoa học “Vai trò Nguyễn Tri Phương trên mặt trận Đà Nẵng trong kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha 1858 - 1860”.
Tại hội thảo này, lần đầu tiên tấm bản đồ chiến sự năm 1858 tại Đà Nẵng được công bố.
Thành phố chiến lũy
Mở đầu hội thảo, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, TS Bùi Văn Tiếng cho rằng: Không phải ngẫu nhiên mà nhân dân Đà Nẵng dành cho vị danh tướng này những sự tôn kính nhất định trên quê hương mình. Đà Nẵng 2 lần lấy tên Nguyễn Tri Phương đặt tên đường, dựng tượng ông ngay thành Điện Hải trung tâm của thành phố. Mới đây nhất cây cầu đẹp bắc qua sông Cẩm Lệ cũng tự hào mang tên vị danh tướng triều Nguyễn này. Cuộc đời xông pha trận mạc của ông trải dài khắp đất nước, từ việc chỉ huy chiến đấu bảo vệ Sài Gòn năm 1860 - 1861, chỉ huy chiến đấu bảo vệ Hà Nội 1873…
Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử có mặt tại hội nghị hết sức ngỡ ngàng khi nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú công bố tấm bản đồ chiến sự tại Đà Nẵng 1858 do ông sưu tầm được từ thư khố Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Paris, một tấm bản đồ với tên tiếng Pháp là “Positions de Tourane”, tức “Vị trí Đà Nẵng”, với dòng chú thích bằng tiếng Pháp nghĩa là “Bản đồ Đà Nẵng tìm được trong nhà một ông quan ngày 15.9.1859”.
Cũng theo giải thích của nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú thì điểm đặc biệt quý giá của tấm bản đồ này là qua đó hình dung được thế trận quân và dân Đà Nẵng chống lại quân xâm lược, các chiến hào, công sự, thành, đồn... đã được đánh dấu và mô tả khá rõ.
Điểm đặc biệt quan trọng là bản đồ giúp nhận ra các địa danh Đà Nẵng xưa. Có hơn 100 chú thích nhưng gần 80% số đó là chú thích vị trí các đồn, thành, trạm, lũy, điếm canh, vọng lâu, hào, nhà tù, công quán, tuần binh... tức các vị trí quân sự. Hầu như toàn bộ Đà Nẵng xưa là thành lũy, chiến hào chiến đấu.
Ở phần trung tâm của tấm bản đồ chiến sự đã được cắt gọn vào khu vực nội thành Đà Nẵng này thấy rõ 3 phòng tuyến được dựng lên và tất cả đều hướng về phía cửa biển, phía quân địch tiến vào.
…Thế trận lòng dân
Tấm bản đồ lập tức thu hút sự chú ý của các học giả tại buổi hội thảo về Nguyễn Tri Phương.
Ông Lưu Anh Rô, tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, cho rằng không phải ngẫu nhiên mà tướng Nguyễn Tri Phương đánh bại đội quân viễn chinh hùng mạnh của Pháp - Tây Ban Nha thời đó.
Ngoài vị trí địa lý quân sự lý tưởng thì sức dân, sự đồng thuận chống ngoại xâm là điều đáng chú ý. Tất cả thể hiện rõ trên bản đồ, bởi từng thành lũy trong tấm bản đồ được thể hiện rõ, nếu không bằng sức dân chắc chắn không ai và lực lượng nào có thể dựng thành lũy, chiến hào chóng vánh như vậy.
“Không những người dân Đà Nẵng mà cả Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng tham gia trận chiến này. Tre từ La Qua (Vĩnh Điện) mang ra xây chiến hào. Tướng Phạm Văn Nghị từ Nghệ An cũng vào đây tiếp sức. Không dễ gì huy động sức mạnh lòng dân hùng hậu như vậy…” - ông Rô nhận định.
Nhà nghiên cứu Trương Duy Hy cho rằng việc quân Pháp rút khỏi Đà Nẵng để đi tấn công nơi khác cho thấy sự tài tình của Nguyễn Tri Phương và thế trận lòng dân trong trận chiến này.
“Đánh Đà Nẵng 2 năm Pháp thua, trong khi đó đánh Gia Định 3 ngày thì thắng, chiếm Đông Nam bộ chỉ 13 tháng, thành Hà Nội 1 buổi và chiếm Bắc bộ chỉ trong vòng 5 ngày. Rõ ràng vai trò dân quân trong cuộc chiến này không thể không nói đến” – nhà nghiên cứu Trương Duy Hy chia sẻ.
Đúc kết buổi hội thảo, ông Lưu Anh Rô cho rằng: “Từ tấm bản đồ cho ta thấy bài học lịch sử rằng bất kỳ thời kỳ nào lòng dân không thuận, triều đình không nghiêm thì kẻ thù dù yếu đến mấy cũng làm cho chúng ta đại bại. Khi quyền lợi triều đình gắn với lòng dân thì chúng ta đã thắng”.
. Theo TẤN VŨ (TTO)