GS Viện Hàn lâm Nga về Việt Nam làm viện trưởng công nghệ cao
51 tuổi, có gần 100 công trình công bố trên tạp chí quốc tế, GS Nguyễn Quốc Sỹ quyết định trở về quê hương.
Trong lịch làm việc dày kín ở Việt Nam, GS Nguyễn Quốc Sỹ, Trưởng khoa Năng lượng Plasma, Đại học Năng lượng quốc gia Nga, Giám đốc phòng thí nghiệm vật lý Plasma, vẫn dành buổi làm việc với các phóng viên, kiên nhẫn trả lời cả những câu hỏi lặp lại và luôn cười.
GS Nguyễn Quốc Sỹ. Ảnh: BN.
Ông sắp trở về làm việc toàn bộ thời gian cho dự án mới với vai trò là Viện trưởng Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech thuộc Tập đoàn Vingroup.
Ở Vin Hi-Tech, GS Sỹ có trách nhiệm thu hút nhà khoa học trong và ngoài nước để giải quyết những công nghệ cao từ năng lượng mới; vật liệu mới; công nghệ sinh học, môi trường; cơ điện tử... Đó là đều là những lĩnh vực ông từng nghiên cứu trong 30 năm qua, với không ít thành tích.
Theo ông, vật lý là tất cả thế giới. Hầu như tất cả công nghệ kỹ thuật cao đều dựa trên thành tựu của vật lý. Từ công nghệ sinh học, y học, vật lý là khoa học công nghệ cơ bản để đưa nền văn minh tiến lên. Cứ nhìn một chiếc điện thoại có thể thấy đó là kết hợp đủ các ngành khoa học từ công nghệ vật liệu, điện tử, công nghệ thông tin... Vì vậy, kết hợp cũng là bước đi ông Sỹ lựa chọn.
Chiến lược kết hợp chất xám
Vin Hi-Tech ra mắt chiều 21.8, nhưng GS Sỹ cho biết việc xây dựng hệ thống chuyên gia, cán bộ khoa học công nghệ cao cấp đã được ông chuẩn bị từ rất lâu. Công việc bước đầu đã được những cán bộ chủ chốt lên kế hoạch thực hiện từ cách đây 4 năm.
Ông cùng nhóm nghiên cứu bắt tay vào chương trình bảo tồn phục chế Khu thánh địa Mỹ Sơn. Tại đây một số đền tháp bị hủy hoại phần do thời gian, chiến tranh, con người chăm sóc chưa đúng nên bị xuống cấp nhanh. Nhiệm vụ của nhà khoa học là phải phục chế giống chất liệu mà không được làm mới. Các nhà khoa học đi từ nghiên cứu kết cấu gạch để tạo ra công nghệ gần giống với người Chăm.
Tiếp theo là nghiên cứu và tạo ra chất kết dính dành cho các đền tháp của Thánh địa Mỹ Sơn. Ở đây chất kết dính không phải là vữa thông thường, không phải bồ hóng với mật mía của người Việt cổ. Không có bất cứ tài liệu nào về chất kết dính này, nhưng nhiệm vụ là tìm ra chất kết dính như của người Chăm.
"Nhóm khoa học đã rất nỗ lực vì chúng tôi tự đặt ra và thấy đây là vấn đề quan trọng của đất nước. Bước đầu đã có thành công về công nghệ làm ra gạch và chất kết dính. Chúng tôi sẽ có những bước đột phá về công nghệ để giải quyết vấn đề này", GS Sỹ nói.
Mục tiêu của Viện là tập trung các nhà khoa học công nghệ cao cấp đến làm việc và giải quyết những vấn đề cụ thể của Việt Nam. Trong số đó chủ yếu là chuyên gia nước ngoài, kết hợp một số tại chỗ ở Việt Nam để xây dựng các nhóm. Ban đầu xây dựng mô hình thử nghiệm đã cho thấy hiệu quả.
Lý do trở về
Ý định về nước làm việc có từ những năm tháng ông Sỹ đang học tập nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đến sau này làm việc với các nhà khoa học. Nhưng sự mong muốn này chưa đủ để ông trở về làm việc hẳn ở trong nước, vì muốn cống hiến cũng cần có môi trường. Ngoài điều kiện kinh tế còn là tác phong văn hóa, thượng tôn kỷ luật và trách nhiệm.
Minh chứng là hơn 10 năm qua, ông thường xuyên đi về giữa Việt Nam - Nga thực hiện nhiều dự án trong nước, nhưng thành quả đạt được rất thấp so với công sức bỏ ra. Thất bại đó cho ông thấy phải tổ chức một môi trường mới. Đó là điều kiện làm việc, khả năng sáng tạo, điều kiện phát triển tư duy.
Ông tự biết một mình không làm được cho đến khi gặp Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup Phạm Nhật Vượng, người đã tạo điều kiện phát huy được việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Ông đã quyết định quay về.
Ông khẳng định không về vì lương cao hơn mà có cơ hội thực hiện dự án công nghệ không tính đến lợi nhuận, và “rèn quân”. Chủ trương lớn là thời gian đầu tập trung các nguồn lực khác để tạo ra thành quả khoa học công nghệ. Chuyện lợi nhuận sẽ đặt ở những pha sau vì làm công nghệ cũng không mang lại lợi nhuận nhanh chóng. Dù vậy GS Sỹ có niềm tin thành công. "Làm gì mà không có lòng tin đừng bắt tay vào công việc", GS Sỹ nói.
Cho rằng Việt Nam đang nằm ở vùng trũng khoa học công nghệ của thế giới và thiếu nhiều chuyên gia, nhiều đề án khoa học công nghệ đặt ra không thành công cũng vì thiếu con người có năng lực giải quyết, vì vậy ông cho rằng huy động lực lượng chuyên gia ngoài nước sẽ tham gia hỗ trợ trong nước. Khi cần làm một nhiệm vụ cụ thể, ông sẽ tổng hợp sức mạnh của hệ thống chuyên gia giỏi của nước ngoài hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam.
Ông quan niệm, để thành công phải do chính người Việt Nam hoạch định và thực hiện. Cá nhân GS Sỹ và lãnh đạo Tập đoàn đồng quan điểm trong cách thức, mô hình, sẽ thực hiện những việc theo mô hình khai thác được chất xám, thành tựu khoa học công nghệ cũng như sử dụng nội lực để đạt được mục tiêu chung.
Nghiên cứu 24/24 giờ, lương rất cao nhưng chưa có một ngôi nhà
GS Sỹ thường bắt đầu một ngày mới từ lúc 3h. Ông chưa ra khỏi giường để tránh ảnh hưởng tới vợ mà nằm suy nghĩ về những dự án, những thí nghiệm đang theo đuổi. Toàn bộ thời gian trong ngày, ngoài ở phòng thí nghiệm, đi đâu, làm gì ông cũng nghĩ về việc đang làm để tìm câu trả lời. Mỗi ngày ông nhận được 1.000 thư gửi đến. Ông thường không có thời gian trả lời mà phải nhờ thư ký khoa học.
Bữa ăn của ông nhiều khi chỉ là chiếc bánh mì, cốc sữa, khi là mì gói vì không có đủ thời gian. Ông lý giải, với người làm khoa học thực sự hôm nay ăn món gì, ở nhà như thế nào không phải là vấn đề cần quan tâm. Cũng chính vì suy nghĩ đó nên ở tuổi 61, có lương Viện sĩ nhiều người mơ ước, rồi cả "khoản cứng, khoản mềm" từ thành quả khoa học, ông không có một căn nhà riêng theo đúng nghĩa.
"Tôi không có ngôi nhà riêng nhưng lại có nhiều nhà, đó là nhà khoa học. Ngôi nhà của tôi là Tổ quốc", GS Sỹ nói và cho biết ông và nhiều anh em thường xem phòng thí nghiệm như nhà mình. Không ít lần ông ngủ lại ở đó khi cần theo dõi những thí nghiệm mới.
Đã lâu lắm rồi, ông không biết giá cả của nhiều mặt hàng bởi không đến siêu thị, không để ý các dịch vụ khác cũng bởi có người vợ đảm đang. Nhưng ông cũng tiết lộ, ngoài khoa học rất yêu bóng đá.
"Cả tôi và anh Vượng đều yêu thích bóng đá. Tôi từng là cầu thủ nghiệp dư. Anh Vượng và tôi đến nay vẫn chạy trên sân bóng đá. Chúng tôi chung niềm yêu thích thể thao này. Nếu có thời gian, chúng tôi sẽ ra sân”, ông Sỹ nói.
GS Nguyễn Quốc Sỹ sinh năm 1967, từng có 30 năm gắn bó với nghiên cứu chuyên ngành vật lý công nghệ Plasma. Ông là Trưởng khoa năng lượng Plasma, Đại học Năng lượng quốc gia Nga (MEI), Giám đốc phòng thí nghiệm vật lý Plasma.
GS Sỹ từng được vinh danh là Viện sĩ Thông tấn năm 2012 do Tổng thống Nga Vladimia Ptutin trao tặng; Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học kỹ thuật Điện Liên bang Nga năm 2015 với tỷ lệ phiếu bầu tuyệt đối.
Theo Bích Ngọc (VnE)