Nhà văn hóa xã, thôn ở Tuy Phước: Làm gì để hoạt động hiệu quả?
Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, huyện Tuy Phước đã có 6/11 xã về đích, gồm: Phước An, Phước Nghĩa, Phước Hưng, Phước Thành, Phước Sơn, Phước Lộc. Ðiều này đồng nghĩa hơn một nửa số xã ở huyện Tuy Phước đã có hệ thống nhà văn hóa xã, thôn hợp chuẩn. Nhưng đó chỉ mới là bước đi đầu tiên.
Quả vậy, hiện tại 6 xã vừa kể đều có nhà văn hóa (NVH) xã và 45 NVH thôn khang trang. Ở 5 xã còn lại gồm: Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Quang, Phước Thuận và Phước Hiệp hiện cũng đang hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất NVH xã, thôn. Dự kiến đến cuối năm 2019 cả 5 xã này cũng về đích nông thôn mới.
Đến nay ở huyện Tuy Phước hầu như chưa NVH xã, thôn nào phát huy hết công năng.
- Trong ảnh: NVH thôn Huỳnh Mai có khuôn viên rộng rãi và khá đẹp nhưng có rất ít hoạt động văn hóa, TDTT được tổ chức ở đây.
Tuy vậy, điều đáng nói là từ khi có NVH xã, thôn đến nay hầu như chưa có địa phương nào phát huy hết công năng của nó. Các NVH chủ yếu sử dụng hội trường để hội họp, nói chuyện thời sự, tiếp xúc cử tri và một vài hoạt động khác. Thảng hoặc mới có một đêm văn nghệ phong trào do xã, thôn tự tổ chức.
Tuy Phước đang phấn đấu đến năm 2020 là đạt huyện nông thôn mới, như vậy chỉ chừng 2 năm nữa thôi, hệ thống NVH xã, thôn sẽ hiện diện đều khắp các nơi. Nhưng nếu không có gì thay đổi, có lẽ phần lớn chỉ có “nhà”, chứ “hoạt động văn hóa” thì chưa chắc đã có. Ai cũng biết để NVH xã, thôn hoạt động có hiệu quả thì điều quan trọng là thiết chế này phải có bộ khung quản lý, có cán bộ nghiệp vụ, thành thạo về văn hóa văn nghệ, TDTT. Tuy nhiên cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, ở huyện Tuy Phước đến nay chưa nơi nào làm được điều này. Do thiếu người có chuyên môn phụ trách nên các NVH xã, thôn chưa thể hoạt động.
Ông Võ Tuấn Khanh - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin kiêm Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước trao đổi: “Để nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, quản lý và khai thác sử dụng các NVH xã, thôn, chính quyền và ngành chức năng cần phải quan tâm đầu tư xây dựng cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng lẫn chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa xem đây là giải pháp quan trọng trong suốt quá trình tổ chức, triển khai thực hiện, đưa các NVH xã, thôn đi vào hoạt động có nền nếp, hiệu quả thiết thực”.
Chức năng, nhiệm vụ của nhà văn hóa xã, thôn:
Là nơi tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân; cũng là nơi giao lưu, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân trong địa bàn dân cư, hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ phát triển phong trào văn hóa văn nghệ, TDTT của địa phương; tổ chức các hoạt động: phổ biến kiến thức khoa học phổ thông; là nơi tuyên truyền, giáo dục chính trị, đường lối chính sách của Ðảng và Nhà nước, của chính quyền các cấp, giữ gìn sức khỏe, nuôi dạy con, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao thẩm mỹ, quan hệ ứng xử trong xã hội, thông tin những thành tựu về kinh tế, chính trị, những sáng kiến kinh nghiệm thực tiễn…
(Trích Quy chế tổ chức và hoạt động của Nhà văn hóa - khu thể thao thôn do UBND tỉnh Bình Định ban hành theo Quyết định số 15/QĐ-UB ngày 16.7.2015)
VẠN HẠNH - NAM VIỆT