Hiệu quả của đối thoại
Báo Bình Ðịnh số ra ngày 31.1.2018 có bài “Hành trình tôi đi làm sổ đỏ” của tác giả Phan Chánh, cho biết ông đã mất 10 tháng đi làm “sổ đỏ” nhưng vẫn chưa thành công. Tại bài viết này, sau 469 ngày đi làm “sổ đỏ” và đã có kết quả, tác giả kết luận: Khúc mắc của vấn đề chính là tinh thần, thái độ làm việc còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm của cơ quan công quyền liên quan. Dưới đây là nội dung bài viết.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần mở rộng và tăng tính hiệu quả của đối thoại khi xử lý khiếu nại của người dân.
- Trong ảnh: Người dân làng Tà Điệk, xã Vĩnh Hảo nêu ý kiến tại buổi đối thoại do lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh tổ chức đầu tháng 8 này, về quy hoạch khu nghĩa địa làng (Ảnh minh họa). Ảnh: HẢI YẾN
Vấn đề chỉ là chứng từ thu tiền bán hóa giá nhà. Năm 1994, gia đình tôi được UBND tỉnh Bình Định bán hóa giá nhà, tiền nộp trực tiếp cho công ty đang công tác và công ty có nghĩa vụ trích nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Do sơ suất, “phiếu thu tiền hóa giá nhà” bị thất lạc nên khi làm sổ đỏ tôi không tìm thấy. Để chứng minh và làm chứng từ thay thế, tôi làm đơn và được công ty cũ xác nhận “đã nộp tiền bán hóa giá nhà, không còn nợ”. Chứng từ đó không được cơ quan tham mưu và lãnh đạo TP Quy Nhơn chấp nhận mà yêu cầu tôi phải cung cấp “chứng từ nộp ngân sách nhà nước”, để buộc tôi phải nộp tiền sử dụng đất một lần nữa!
Không chấp nhận cách giải quyết này, tôi lại về công ty cũ xác nhận lại với nội dung rõ ràng, cụ thể hơn nhưng người có thẩm quyền xem xét vẫn cho là không có gì mới so với nội dung xác nhận lần đầu. Thế buộc, tôi gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND thành phố và nhận được văn bản trả lời là “không”, với lý do: Các giấy tờ có trong hồ sơ không đủ cơ sở chứng minh tôi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính tại thời điểm UBND tỉnh ban hành quyết định bán hóa giá nhà.
Tôi lại tiếp tục khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chuyển đơn cho Chủ tịch UBND thành phố giải quyết, cũng lại trả lời là “không” với cùng lý do trên.
Đến đây, bức xúc vì chờ đợi quá lâu, mệt mỏi vì đi đi lại lại tới cửa các cơ quan công quyền rất nhiều lần, và chứng kiến cách người có trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết vụ việc ở các cơ quan liên quan…, tôi kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét lại cách giải quyết của Chủ tịch UBND thành phố. Đây là điều bất đắc dĩ!
Việc tôi khiếu nại là vì lãnh đạo thành phố xử lý buộc tôi phải nộp tiền sử dụng đất một lần nữa, nhưng số tiền này trước đây tôi đã nộp cho đơn vị cũ theo đúng quyết định của UBND tỉnh. Đó là thực tế. Điều khó hiểu là lãnh đạo thành phố đã không xem xét thấu đáo chứng cứ, không làm sáng tỏ các vấn đề liên quan… Hành vi hành chính của người thực hiện công vụ và người có thẩm quyền của thành phố trong trường hợp này có khách quan, chuyên nghiệp, tận tâm phục vụ người dân?
Thế rồi, vụ việc tôi khiếu nại được Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, Sở TN&MT đưa ra đối thoại. Đại diện các sở, ngành liên quan dự họp xem xét thực tế về thời điểm bán hóa giá nhà, chứng từ và các mối liên hệ về nghĩa vụ, trách nhiệm quy định tại quyết định của UBND tỉnh… thì các vấn đề trở nên rõ ràng và đã thừa nhận tính hợp lý, hợp pháp của chứng từ tôi cung cấp mà trước đó lãnh đạo thành phố cho là không đủ cơ sở (!)
Hành trình đi làm sổ đỏ của tôi đã kết thúc với sự kiên trì và kỳ vọng. Tôi cảm nhận được giá trị của đối thoại. Ở đó, sự hoài nghi, tính áp đặt, sợ trách nhiệm đã giảm đi; cùng đó, thực tế đã được tôn trọng và sự thật được thừa nhận...
Tôi tin rằng, hành trình đi làm “sổ đỏ” sẽ không kéo dài tới 469 ngày, nếu các cơ quan tham mưu và lãnh đạo UBND TP Quy Nhơn ngay từ đầu có cách tiếp cận, xử lý vụ việc hợp tình, hợp lý. Đừng để người dân “độc thoại” kéo dài đến mức mỏi mệt, bực tức rồi mới đối thoại. Hãy mở rộng và tăng tính hiệu quả của đối thoại khi xử lý khiếu nại của người dân!
Phan Chánh (TP Quy Nhơn)