Luang Prabang và nỗ lực bảo tồn di sản trước làn sóng du khách Trung Quốc
Khách du lịch Trung Quốc hiện chiếm khoảng 11% lượng du khách tại Lào. Khi tuyến đường sắt Trung – Lào hoàn thành, con số này có thể tăng mạnh, đem lại cả thời cơ và thách thức cho quốc gia không giáp biển này.
Dòng sông Nam Khan và Luang Prabang. Ảnh: Alamy
Hồi tháng 6, khi chuỗi bán lẻ giá rẻ Miniso (Trung Quốc) mở cửa hàng trên đường Sisavangvong (Luang Prabang), nơi này trở thành chủ đề bàn tán của cả cố đô này, không chỉ bởi mỹ phẩm, mặt hàng gia dụng và đồ chơi giá rẻ mà còn vì biển hiệu của nó.
Mới đây, chủ cửa hàng này phải gỡ bỏ bảng hiệu đèn neon, vốn bị cấm sử dụng tại Luang Prabang, nơi được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1995.
Tổng giám đốc công ty du lịch Diethelm Travel tại Lào, Georgie Walsh, cho biết, việc dùng biển hiệu kiểu này đi ngược lại các quy định của UNESCO. Chẳng hạn như với Diethelm, khi mở chi nhánh tại đây, công ty phải dùng bảng hiệu bằng gỗ, với 2 màu đen và vàng.
UNESCO giám sát chặt chẽ mọi công trình trong khu di sản ở Luang Prabang. Ảnh: Peter Jassen.
Việc Miniso phải thay thế bảng hiệu neo bằng chất liệu gỗ có thể xem là 1 chiến thắng cho các nhà bảo tồn và ủng hộ du lịch bền vững tại đây, đồng thời cũng giúp tạm thời làm giảm nỗi lo về cái gọi là làn sóng Trung Quốc.
Nhiều người lo ngại về làn sóng du khách Trung Quốc tại quốc gia chỉ có 6,8 triệu dân này, khi dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Trung – Lào khởi công vào năm ngoái.
Tuyến đường sắt dài 414 km này nối liền Boten, nơi giáp biên giới 2 nước, với thủ đô Vientiane, trong đó có các điểm dừng tại Luang Prabang và Vang Vieng.
Đây là 1 trong những dự án triệu USD do Trung Quốc tài trợ cho Lào, bên cạnh các dự án phát triển đặc khu, đập thủy điện và bệnh viện.
Du khách Trung Quốc chiếm khoảng 11% trong 3,86 triệu khách du lịch đến Lào vào năm ngoái. Nhiều khách Trung Quốc nhập cảnh vào nước này theo đường bộ, bằng cách đi xe từ thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam) đến Luang Prabang và Vang Vieng. Trong năm 2017, khoảng 210.133 du khách Trung Quốc đến Lào bằng đường bộ.
Các trụ bê tông của tuyến đường sắt Trung – Lào. Ảnh: Peter Jassen.
Dự kiến, khi tuyến đường sắt này mở vào ngày 2.12.2021, số du khách Trung Quốc đến Lào sẽ tăng đột biến, trong đó số khách đến Luang Prabang có thể lên đến hàng trăm ngàn người, khiến cơ sở hạ tầng ở nơi đây quá tải.
Chuyên gia du lịch của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Steven Schipani, cho rằng, tuyến đường sắt này sẽ là thách thức và cơ hội cho Lào. “Ngành du lịch Lào cần phải chuẩn bị cho điều này”.
Các tổ chức phát triển từ lâu đã khuyến nghị chính phủ Lào thúc đẩy du lịch sinh thái và du lịch bền vững gắn với văn hóa.
Ở mức độ nào đó, điều này đã đạt được tại Luang Prabang, nơi được xem là nam châm đối với du lịch Phật Giáo, cảnh đẹp tự nhiên và nhiều điểm hấp dẫn khác.
Nhiểu chuỗi khách sạn quốc tế cũng được mở tại đây trong 5 năm qua và đa số tọa lạc ngoài “khu di sản”. Điều này phản ánh sức hút của Luang Prabang với du khách châu Âu và Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều cư dân ở Luang Prabang đang bán hoặc cho thuê bất động sản cho các nhà đầu tư Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Chẳng hạn như nhà nghỉ Mekong Sunset, vốn từng thuộc quyền quản lý của người Lào, hiện do 1 gia đình người Trung Quốc điều hành.
Nhà nghỉ Mekong Sunset nay thuộc quyền quản lý của người Trung Quốc. Ảnh: Peter Jassen.
Nhiều chủ sở hữu các nhà nghỉ và nhà tại Luang Prabang là người địa phương, nhưng không biết ngoại ngữ và kỹ năng tiếp thị để thu hút du khách Trung Quốc, Hàn Quốc hay Việt Nam. Vì vậy, họ thường cho các nhà đầu tư của 3 nước này thuê dài hạn và dùng số tiền thu lại để mua ô tô hay nhà mới ở ngoài cố đô này.
Với tiến độ của tuyến đường sắt xuyên biên giới hiện nay, ngày càng nhiều du khách Trung Quốc đổ về nơi này và người dân địa phương sẽ phải hoặc học tiếng Trung hay nhượng lại hoạt động kinh doanh cho người Trung Quốc.
Đây có thể là sự mất mát lớn đối với Luang Prabang về mặt văn hóa và du lịch, vì sự hấp dẫn của nơi này 1 phần là do người dân và văn hóa bản địa.
Theo ông Walsh, văn hóa Lào và Pháp hòa quyện rất tốt với nhau. Kiến trúc tuyệt đẹp và thực phẩm ngon (Lào từng là thuộc địa của Pháp từ 1893 đến 1946 và vẫn giữ lại nhiều ảnh hưởng của Pháp). Điều này sẽ không thể có nếu kết hợp Lào với Trung Quốc.
Nỗ lực bảo tồn nơi này sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc UNESCO giữ nguyên các quy định nghiêm khắc với địa danh được công nhận là Di sản Thế giới.
Ngoài ra, điều này còn phụ thuộc vào việc cơ quan chức năng của Lào có đủ quyết tâm cũng như nguồn tài chính và chuyên môn để bảo tồn di sản hay không.
Lê Quảng (theo SCMP)