Phòng cháy chữa cháy ở các cơ sở chế biến lâm sản: Còn thụ động, chủ quan
Ðây là một trong những hạn chế, bất cập đã và đang xảy ra trong công tác phòng cháy chữa cháy ở các cơ sở, doanh nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh ta, trong đó có hoạt động sản xuất đồ gỗ, dăm gỗ xuất khẩu.
Nhiều cơ sở, DN chế biến lâm sản, đồ gỗ, dăm gỗ xuất khẩu còn xem nhẹ công tác PCCC.
- Trong ảnh: Hiện trường vụ cháy dăm gỗ tại bãi chứa ngoài trời của Công ty TNHH Trường Phát hôm 13.8.
Nhiều mối nguy tiềm ẩn
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 100 cơ sở, DN chế biến lâm sản (chủ yếu là sản xuất đồ gỗ xuất khẩu) và gần 20 DN chế biến dăm gỗ bạch đàn, keo lai. Bên cạnh các DN, cơ sở sản xuất chế biến lâm sản thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn PCCC thì vẫn còn nhiều nơi chưa tuân thủ; nhất là các cơ sở gia công, chế biến gỗ nhỏ, lẻ; xưởng mộc và các cơ sở chế biến gỗ tại gia, không đăng ký kinh doanh; các kho, bãi chứa dăm gỗ hoặc nhà xưởng băm gỗ.
Cụ thể, một số cơ sở, DN sản xuất, chế biến gỗ trong tỉnh còn tùy tiện bố trí hàng hóa, vật liệu, hóa chất; tùy tiện trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện gây chạm chập, dẫn tới cháy nổ. Vụ cháy nhà xưởng mây, nhựa, thùng carton của Công ty TNHH SX - TM Tân Ánh Dương đóng ở phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn) vào ngày 21.5.2018 là một ví dụ.
Đó là chưa kể, có không ít chủ cơ sở, DN khi thiết kế nhà xưởng chưa quan tâm đến biện pháp đảm bảo an toàn PCCC... Phương tiện PCCC cho các cơ sở gia công, chế biến gỗ hiện nay còn thiếu, việc trang bị phương tiện còn chưa đồng bộ và đầy đủ theo quy định. Một số cơ sở, DN còn để công nhân hút thuốc trong quá trình làm việc hoặc trong khuôn viên nhà máy. Trong quá trình hàn, cắt kim loại, sửa chữa máy móc hoặc nhà xưởng, công nhân không thực hiện việc che chắn để tia lửa rơi vãi xuống các vật dụng dễ tiếp xúc, gây cháy. Các thiết bị máy móc sử dụng trong quá trình băm gỗ; hệ thống băng tải chuyền trong các nhà máy dăm gỗ chưa được chủ cơ sở, DN quan tâm bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ. Do đó, các thiết bị, máy móc dễ bị rỉ, sét sinh ra tia lửa điện khi bị ma sát trong quá trình vận hành.
Hiện tượng cháy, nổ hiện nay còn lan sang các kho, bãi chứa dăm gỗ. Đáng lo lúc này, dăm gỗ được hầu hết các DN chứa ngoài trời, không che chắn. Do đó, dễ dàng bắt lửa gây cháy khi tiếp xúc với nguồn nhiệt, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Chưa kể, phương tiện dùng để san gạt, đưa dăm gỗ lên xe như xe ủi, xe xúc sử dụng lâu ngày bị hỏng không có lưới dập lửa ở pô xe nhưng không sửa chữa kịp thời. Tàn lửa trong pô xe phát ra trong quá trình hoạt động, kết hợp khói sinh ra tia nhiệt, gây cháy khi bắt gặp thời tiết nắng nóng.Vụ cháy bãi dăm gỗ trong Công ty TNHH Trường Phát ngày 13.8 cũng bắt nguồn từ nguyên nhân này.
Cần chủ động phòng ngừa
Trước những tồn tại trên, thời gian qua, Cảnh sát PC&CC tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra về an toàn PCCC đối với các cơ sở trọng điểm, trong đó, có cơ sở, DN sản xuất, chế biến lâm sản và đồ gỗ xuất khẩu. Tại các nơi kiểm tra, cán bộ của đơn vị đã chủ động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC; hướng dẫn người đứng đầu cơ sở lập và thực tập phương án chữa cháy theo đúng quy định.
Cảnh sát PC&CC tỉnh cũng khuyến cáo các cơ sở, DN chế biến lâm sản, đồ gỗ phải trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy tại chỗ; tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công nhân viên về kỹ thuật phòng cháy, kỹ năng sử dụng phương tiện cháy; phải có chế tài về nội quy, quy định về PCCC cho cơ quan để mọi lao động chấp hành, thực hiện; hằng năm tập huấn nghiệp vụ về PCCC cho cán bộ, công nhân viên tại đơn vị, đồng thời, xây dựng phương án chữa cháy ở cơ sở. Đặc biệt, người đứng đầu DN, cơ sở phải quan tâm ban hành nội quy an toàn PCCC và niêm yết nội quy, sơ đồ chỉ dẫn PCCC, sơ đồ bố trí phương tiện PCCC, biển cấm, biển báo tại cơ sở theo quy định và thực hiện nghiêm các quy định khác về Luật PCCC.
“Công tác PCCC là trách nhiệm của cộng đồng chứ không chỉ là nhiệm vụ của ngành CA. Mỗi người dân, DN cần tích cực, chủ động bổ sung kiến thức, chấp hành nghiêm an toàn PCCC đảm bảo theo quy định... Có như vậy, các vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra xuất phát từ sự chủ quan của con người mới được ngăn ngừa, giảm thiểu”, đại tá Phạm Đình Trung, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh, nhấn mạnh.
Theo Cảnh sát PC&CC tỉnh, đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 67 vụ cháy; trong đó có hơn 6 vụ cháy xảy ra ở các cơ sở, DN sản xuất, chế biến gỗ, bột nhang, gây thiệt hại hàng tỉ đồng cho các đơn vị sản xuất; nguyên nhân chủ yếu là do sơ suất trong quá trình sử dụng lửa, thiết bị điện.
TRỌNG LỢI