Chữa bệnh bằng vật lý trị liệu
Thực tế cho thấy, mức độ nghiêm trọng của các bệnh lý về xương khớp, thoái hóa đốt sống cổ, thương tật sau tai nạn, chấn thương; tỉ lệ người tàn tật, khuyết tật... cao hay thấp có sự liên quan rất nhiều với khâu vật lý trị liệu. Vật lý trị liệu là mảng lớn nhất của bộ phận y học phục hồi, là phương pháp giúp phục hồi chức năng an toàn, ngày càng được sử dụng phổ biến.
Điều trị vật lý trị liệu tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Định.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh, các cơ sở điều trị lớn của tỉnh như BVĐK tỉnh, BVĐK TP Quy Nhơn, Bệnh viện Y học cổ truyền... đều có đơn nguyên vật lý trị liệu (VLTL), giữ vai trò then chốt trong các phương pháp phòng và chữa bệnh không dùng thuốc ở mảng y học phục hồi. Điểm may mắn là tỉnh ta còn có hẳn 2 bệnh viện có chuyên môn sâu về vấn đề này là Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Quy Nhơn, Bệnh viện Phục hồi chức năng Bình Định.
Bác sĩ (BS) CKI Phạm Thị Phượng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, BVĐK tỉnh cho biết: “Những năm gần đây, các bệnh về khớp, thần kinh, liệt, cột sống, các trường hợp chấn thương hoặc sau phẫu thuật, bại não ở trẻ em... có xu hướng tăng. Nhằm giúp các bệnh nhân hồi phục toàn diện, khôi phục chức năng vận động, góp phần chăm sóc người khuyết tật làm giảm tỉ lệ tàn tật, tăng khả năng tái hòa nhập cộng đồng... chúng tôi sử dụng ngày càng phổ biến phương pháp điều trị bằng VLTL”.
Nhờ kết quả điều trị bằng VLTL đạt hiệu quả cao, nhiều năm qua, số lượng bệnh nhân mắc bệnh liệt đến với Bệnh viện Y học cổ truyền tăng cao (chiếm 40%). BS CKII Lê Phước Nin, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Định, cho biết: “Y học cổ truyền kết hợp với phục hồi chức năng từ những động tác vận động trị liệu ban đầu như đứng, đi lại rồi đến những động tác tinh vi hơn là hoạt động trị liệu để hướng dẫn người ta cầm, nắm, kể cả tập nói. Khi luyện tập thần kinh, mạch máu tăng cường lưu thông, dinh dưỡng được đưa đến các cơ giúp các cơ phục hồi tích cực. Khả năng phục hồi nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ tổn thương, khả năng đáp ứng của thể trạng người bệnh. Phần lớn các bệnh này phải điều trị dài ngày, thường xuyên. Tập luyện kiên trì, đúng phương pháp được hướng dẫn sẽ mang lại kết quả cao”.
“Tôi bị thoát vị đĩa đệm vùng cổ, trước kia cũng điều trị nhiều phương pháp nhưng không đỡ, tôi điều trị VLTL tại Bệnh viện Y học cổ truyền gần 2 tuần, cổ tôi giờ có thể xoay được, cơ vai, cổ cũng đỡ cứng hơn nhờ sự nhiệt tình của các kỹ thuật viên ở đây” - bạn Trần Thụ Tài (21 tuổi, sống tại TP Quy Nhơn) cho biết.
“VLTL là phương pháp điều trị an toàn vì không dùng thuốc, không gây tác dụng phụ. Những động tác nắn bóp, kéo duỗi nhìn nhẹ nhàng, đơn giản nhưng thật ra dùng lực rất nhiều, nếu không quen sẽ rất mỏi” - chị Lưu Thị Thanh Thao, cử nhân VLTL, Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Định, chia sẻ.
Mặc dù có sự hỗ trợ rất lớn của các tiến bộ KHKT nhưng để việc phục hồi chức năng đạt hiệu quả như mong muốn, điểm quan trọng nhất, như đã nói là ý chí và sự hợp tác của bệnh nhân. Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ thuật viên cũng góp phần không nhỏ trong việc giúp đỡ điều trị cho bệnh nhân. BS CKI Phạm Thị Phượng nhắc nhở: “Vai trò của kỹ thuật viên rất quan trọng giúp nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân vì VLTL phụ thuộc vào khả năng, ý chí, sự hợp tác của bệnh nhân. Kỹ thuật viên chuyên nghiệp, thân thiện, giải thích tốt sẽ giúp bệnh nhân quyết tâm tập luyện, phục hồi tốt hơn”.
VLTL với các tiến bộ KHKT
Các kỹ thuật VLTL ngày càng phong phú đa dạng, đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể, từng dạng bệnh lý cụ thể, đồng thời có sự hỗ trợ rất lớn của các tiến bộ KHKT. Các kỹ thuật VLTL phổ biến có thể kể đến: sử dụng các tác nhân vật lý (quang trị liệu, nhiệt trị liệu, điện trị liệu, siêu âm trị liệu), cơ động học trị liệu (xoa bóp, nắn chỉnh bằng tay, kéo giãn, máy kéo giãn cột sống, máy rung cơ học), vận động trị liệu (tập các động tác có thể là tập thụ động dưới sự chỉ dẫn của BS, kỹ thuật viên hoặc tập chủ động, các dụng cụ tập bổ trợ), hoạt động trị liệu (người bệnh có thể tự làm những động tác như tham gia chơi các trò chơi, các hoạt động giải trí...).Sử dụng lợi thế gần suối nước nóng Hội Sơn (Phù Cát), Bệnh viện Phục hồi chức năng Bình Ðịnh đem phương pháp điều trị tắm xông hơi phục vụ bệnh nhân và đạt kết quả rất tích cực.
(Theo BS VÕ NGỌC PHÁI, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Phục hồi chức năng Bình Định)
THẢO KHUY