Hoài Hải phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết
7 tháng đầu năm 2018, huyện Hoài Nhơn ghi nhận 121 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), 7 ổ dịch, tại 72/155 thôn, khối của 16 xã, thị trấn. Riêng xã Hoài Hải là địa phương duy nhất trong huyện không ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh. Điều đáng nói hơn là từ năm 2011 đến nay Hoài Hải luôn là địa phương có số ca mắc SXH thấp nhất trong huyện từ 1-2 ca/năm. Đặc biệt từ năm 2015 đến nay xã không có người mắc SXH.
Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, đến nay ý thức về phòng chống dịch bệnh của người dân Hoài Hải thay đổi rõ rệt.
Xã Hoài Hải ở cuối nguồn sông Lại Giang, có gần 1.800 hộ dân/hơn 8.000 nhân khẩu, môi trường bị ảnh hưởng nặng, đặc biệt là nạn rác thải tràn lan. Từ năm 2017 trở về trước, Hoài Hải thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, để có nước dùng người dân chở nước từ nơi khác, hoặc để dành nước mưa trong chum, vại (môi trường lý tưởng để muỗi tồn cư). Đây cũng là giai đoạn Hoài Hải rất vất vả trong phòng chống SXH.
Tuy nhiên, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, đến nay ý thức về phòng chống dịch bệnh của người dân thay đổi rõ rệt. Ông Trần Đình Du - Trưởng Trạm y tế xã Hoài Hải cho biết: “Những năm từ 2008 đến 2010, Hoài Hải là ổ SXH, xã có 5 thôn thì thường xuyên có tới 4 thôn có người mắc bệnh SXH. Không thể chấp nhận tình trạng này, Đảng ủy, UBND xã và các ngành, đoàn thể quyết tâm cùng nhau tuyên truyền vận động nhân dân phòng chống SXH. Việc tuyên truyền được thực hiện quanh năm, thông tin đến với từng hộ, khi nhận thức thay đổi kết quả đến ngay và ngày càng bền vững”.
Trong cuộc chiến chống SXH, Hoài Hải rất xem trọng vai trò của giáo viên, học sinh ở các trường học trên địa bàn xã. Mỗi giáo viên, mỗi học sinh là một tuyên truyền viên về SXH, các thông điệp “không có bọ gậy, không có SXH”, “đậy kỹ dụng cụ chứa nước để muỗi không có nơi sinh sản”,… được nhắc đi nhắc lại. Đặc biệt, chính các em học sinh sẽ là người kiểm tra dụng cụ chứa nước của gia đình, nhà em nào có bọ gậy thì chính các em sẽ tác động để phụ huynh dọn rửa, tiêu diệt bọ gậy.
Ông Nguyễn Thành Long, Trưởng thôn Kim Giao Nam, cho biết: “Khi chỉ số bọ gậy tăng lên, các thành viên Ban nhân dân thôn sẽ phân chia nhóm đến từng hộ gia đình nhắc nhở dọn rửa, đậy nắp các dụng cụ đựng nước, phát quang bụi rậm, các nơi trú ngụ của muỗi. Người dân cũng nhắc nhau mắc mùng khi ngủ để phòng bệnh. Nhờ hạn chế môi trường cho phép muỗi tồn cư, sinh sản nên khoảng 4 năm trở lại đây, Kim Giao Nam không có ca mắc SXH nào”.
ÁNH NGUYỆT