Phát triển du lịch làng nghề: Còn nhiều việc phải làm
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 51 làng nghề đang hoạt động, trong đó có 31 làng nghề được tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Ðây là tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch làng nghề. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch làng nghề ít được chú trọng khai thác.
Thiếu kinh phí hoàn thiện hạ tầng
Tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường và gắn hoạt động của làng nghề truyền thống với dịch vụ du lịch (DL) là nhóm giải pháp nhằm vực dậy và phát triển làng nghề truyền thống (LNTT) trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề gắn với dịch vụ DL hiện còn rất khó khăn. Trong đó, nguyên nhân không nằm ở ngành DL, mà ở “bản thân” các làng nghề.
Sản phẩm phục vụ DL của làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu.
Làng nghề rượu Bàu Đá Cù Lâm (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) là một trong những làng nghề được phê duyệt phát triển gắn với DL theo Đề án Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh. Năm 2016, làng nghề này được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 với diện tích 10 ha, nhằm phát triển sản phẩm làng nghề gắn với DL, nhưng đến nay, điểm quy hoạch này vẫn chưa được đầu tư.
Ông Dương Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, cho hay: Việc quy hoạch xây dựng điểm sản xuất tập trung, trưng bày sản phẩm làng nghề, đưa các hộ dân vào sản xuất, trở thành nơi kết nối DL là giải pháp phát triển làng nghề bền vững, nhưng hiện chưa được triển khai vì kinh phí đầu tư quá lớn, kêu gọi đầu tư gặp khó khăn.
Tương tự, làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) cũng được quy hoạch chi tiết 1/500 để phục vụ phát triển gắn với DL. Theo ông Giả Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu, nghề sản xuất gỗ mỹ nghệ đang ở giai đoạn khó khăn do sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ; nguyên liệu sản xuất ngày càng khan hiếm. Các hộ làm nghề đang dần thay đổi sản phẩm để phù hợp với thị trường. Với diện tích quy hoạch 14 ha, tổng kinh phí đầu tư trên 74 tỉ đồng, UBND xã đã phối hợp với các ngành chức năng xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mời các đơn vị sản xuất vào hoạt động, song chưa đạt kết quả.
Theo ông Lê Minh Toán, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, việc hỗ trợ phát triển, vực dậy LNTT trên địa bàn luôn được các cấp, các ngành quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực. Hàng năm từ nguồn vốn khuyến công, UBND thị xã đã dành cho việc hỗ trợ LNTT xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm làng nghề… Tuy nhiên, vì thiếu kinh phí đầu tư, hoạt động hỗ trợ LNTT chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Ở huyện Phù Mỹ, tình hình cũng tương tự. Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phù Mỹ, hàng năm, UBND huyện đều hỗ trợ các LNTT về hạ tầng, thiết bị…, song mức hỗ trợ mới ở trong giới hạn nguồn vốn khuyến công cho phép.
Một số giải pháp
Những năm qua, thực hiện Đề án Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh, việc gắn hoạt động của các LNTT với dịch vụ DL là giải pháp được chú trọng, song quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là thiếu vốn đầu tư thực hiện quy hoạch phát triển LNTT, và còn do các LNTT chủ yếu tập trung sản xuất kinh tế đơn thuần, chưa biết vận dụng các giá trị truyền thống để gắn hoạt động làng nghề với phát triển dịch vụ DL.
Ông Văn Thái Toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương), cho biết: Trong thời gian tới, Trung tâm sử dụng nguồn vốn khuyến công tập trung đầu tư phát triển trọng điểm 2 làng nghề gắn với DL, gồm làng nghề rượu Bàu Đá Cù Lâm và làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu. Tiếp tục hỗ trợ các cơ sở làng nghề đăng ký chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu, kiểu dáng hàng hóa, xây dựng thương hiệu; khảo sát nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị để tăng chất lượng sản phẩm làng nghề nhằm có kế hoạch hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công.
Sở DL cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng đề án phát triển DL LNTT trên địa bàn tỉnh. Sở DL sẽ phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương chọn thí điểm đề án ở 2/5 làng nghề được quy hoạch phát triển LNTT gắn với DL mà UBND tỉnh đã phê duyệt. Sau khi đề án được UBND tỉnh thông qua (vào tháng 9 tới), Sở DL chính thức khởi động kết nối với các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh thực hiện các tour DL LNTT; đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ LNTT phục vụ DL chuyên nghiệp.
THU DỊU