Kịch bản sân khấu “quan khiêng võng”: Nhân cách của một bậc quốc sĩ
Với “Quan khiêng võng” - kịch bản sân khấu mới nhất của tác giả Văn Trọng Hùng, viết về nhân vật lịch sử Lê Ðại Cang, công chúng sẽ có dịp nhận diện rõ hơn về nhân cách của một bậc quốc sĩ. Ðồng thời, nhận được từ lịch sử nhiều bài học quý giá.
Nói đến Lê Đại Cang (1771 - 1847, quê ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, là quan văn, quan võ dưới 3 triều đầu của nhà Nguyễn), sử sách hay hậu thế, văn chương nghệ thuật thường bàn đến điểm đặc biệt, hấp dẫn nhất ở ông - sự nghiệp chính trị đầy thăng trầm. Chuyện hoạn lộ thăng hay giáng là thường tình, song được trọng dụng và bị trừng phạt nhiều lần, bất ngờ, mới là đại tướng cầm quân đánh giặc đó bỗng chốc trở thành người lính khiêng võng, thậm chí suýt bị chém đầu... như Lê Đại Cang quả là hiếm và đặc biệt. Riêng với Văn Trọng Hùng, điều thu hút, khiến ông tâm đắc và muốn đưa vào nghệ thuật nhất là bản lĩnh, nhân cách đặc biệt, phi thường của bậc quốc sĩ này.
Tượng Lê Đại Cang. Tác phẩm của Nguyễn Sang Kim Thanh.
Kịch bản “Quan khiêng võng” được tác giả Văn Trọng Hùng sáng tác trong 2 năm 2017 - 2018. Tác phẩm (hiện đang được Nhà hát tuồng Đào Tấn chuyển thể để dàn dựng trong năm 2019) gồm 11 màn, khởi từ giai đoạn Lê Đại Cang làm quan ở Thăng Long đến khi khép lại cuộc đời trong vai trò một cư sĩ trên quê nhà Bình Định.
Một trong những điểm khác biệt và tiến bộ của Lê Đại Cang so với kẻ sĩ trước hoặc cùng thời, đó là quan niệm nhập thế rất tích cực. Mô tuýp hành xử thường thấy của kẻ sĩ là lúc đắc chí gặp thời thì ra làm quan, dốc sức vì dân vì nước; khi bất đắc chí thì lui về ở ẩn. Song, Lê Đại Cang quan niệm “làm quan khó lắm nhưng còn dễ, làm người nhân nghĩa mới gian nan” và không cam tâm “câm lặng trước nỗi đau nhân thế”. Đây là điểm mới, chứng tỏ bản lĩnh và trách nhiệm công dân ở nhân vật mà tác giả rất tâm đắc và làm đậm trong tác phẩm.
Ở màn 8 - Lê Đại Cang với thân phận lính tiền quân - không câu nệ phép tắc hành chính hay sợ điều hại sẽ xảy đến cho mình miễn có lợi cho dân cho nước, Lê Đại Cang đã làm những việc “vượt cấp” là chiêu binh, tổ chức lại quân đội (vốn đang lộn xộn) để bảo vệ non sông. Hay việc ông nhận nhiệm vụ bảo hộ Chân Lạp nhưng chỉ đóng ở biên giới, giữ yên biên cương, tránh việc xâm phạm lãnh thổ nước láng giềng. Những điểm nhấn này đều nhằm làm đa dạng góc nhìn và tô đậm nhân cách Lê Đại Cang.
Đòn khiêng võng của Lê Đại Cang - hiện vật gốc đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Bình Định; vật chứng về hoạn lộ thăng trầm và cũng là biểu tượng cho bản lĩnh, nhân cách phi thường của ông.
“Quan khiêng võng” là kịch bản lịch sử thứ 11 của tác giả Văn Trọng Hùng. Đến nay, trong gia tài 12 kịch bản sân khấu của ông, duy chỉ có Hồn tháp (Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định đã dựng thành vở diễn cùng tên) là kịch hiện đại.
Như tác giả đã nhiều lần chia sẻ, ông luôn tìm thấy ở lịch sử những bài học quý giá, cả bài học thành công lẫn thất bại. Và những bài học ấy không hề giảm ý nghĩa khi nhìn vào xã hội đang sống hôm nay. Với Lê Đại Cang và qua “Quan khiêng võng”, đó là bài học lịch sử về một nhân cách lớn. Lê Đại Cang là một tấm gương làm quan về tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm để thực hiện trọn vẹn tiêu chí “cái gì có lợi cho dân thì gắng sức thực hiện, cái gì có hại cho dân thì tuyệt đối tránh”. Rộng hơn, đối với mỗi con người, đây là tấm gương về đạo đức: đề cao sự học, nhưng học để trước hết làm người chứ không phải học để làm quan, và về đức khiêm tốn, về ứng xử đạo lý, hướng thiện...
SAO LY