Cẩn thận với dị vật đường ăn
Bệnh nhân Nguyễn Văn S., 45 tuổi, ở huyện Phù Mỹ, bị hóc xương gà được đưa vào viện trong tình trạng không ăn uống được, sốt, cổ sưng đau, quay cổ hạn chế. Kết quả chụp X-quang cho thấy, vùng cổ bệnh nhân có dị vật cản quang trước cột sống cổ C6-C7, phần mềm trước cột sống sưng nề. Bệnh nhân được gây mê soi gắp dị vật, hút sạch mủ đọng, niêm mạc thực quản và đặt sonde dạ dày nuôi ăn, dùng kháng sinh tiêm liều cao kết hợp.
Ở trường hợp bệnh nhân nói trên, sau điều trị 5 ngày, soi thực quản kiểm tra lại, nếu vết thương thực quản liền tốt thì có thể xuất viện. Bệnh nhân bị dị vật thực quản đến muộn bị biến chứng phải nằm viện 7-10 ngày. Biến chứng do hóc dị vật gây nguy hiểm đến tính mạng và chi phí điều trị tốn kém nhiều.
Dị vật đường ăn là bệnh lý thường gặp ở khoa Tai - Mũi - Họng. Mỗi tháng, BVĐK tỉnh tiếp nhận khoảng 100 trường hợp đến khám và khoảng 1/10 trong số đó phải nhập viện gây mê lấy dị vật do dị vật nằm trong thực quản.
Dị vật đường ăn là một tai nạn khi ăn uống hay khi ngậm dị vật vào họng. Hóc dị vật có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất ở trẻ em và người già. Dị vật rất đa dạng và phong phú: xương động vật (xương cá, gà, heo), ở trẻ em dị vật còn là các vật dùng nhỏ (kim băng, đồng xu, đồ chơi nhỏ), người độ tuổi lao động còn bị dị vật như đinh, ốc vít, vỉ thuốc, dị vật sống (cá, mật heo…). Đáng lưu ý, người lớn tuổi còn bị dị vật răng giả, rất nguy hiểm.
Những dấu hiệu đầu tiên gợi ý dị vật đường ăn là bệnh nhân đau họng khi ăn, không ăn tiếp được. Ở trẻ em, nếu không chứng kiến khi hóc dị vật thì căn cứ vào biểu hiện không chịu ăn uống, miệng ngậm không kín, chảy nước dãi. Trường hợp này nên đưa bệnh nhân đến ngay các bệnh viện và trung tâm y tế có phòng khám Tai - Mũi - Họng để được xử trí lấy dị vật. Đặc biệt lưu ý, không nên nhờ người đẻ ngược chữa mẹo vuốt cổ vì dị vật nếu không điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng nguy hiểm như: viêm tấy thực quản cổ, áp xe vùng cổ, áp xe trung thất, thủng thực quản - khí quản, thủng mạch máu lớn, gây tử vong.
Phòng tránh dị vật đường ăn cần cẩn thận khi chế biến thức ăn có xương như xương của nước dùng phải lọc kỹ, nấu các món cá không nên quá chín làm xương rã lẫn trong thức ăn. Nhà có trẻ em, trẻ thiểu năng trí tuệ, bệnh nhân tâm thần… cần cất giữ cẩn thận những vật dùng nhỏ như nút áo, kim băng, tiền xu… Khi ăn không nên cười đùa dễ bị hóc xương. Khi cho trẻ ăn cá, tôm phải lấy hết xương cá, vỏ tôm; không la mắng, ép ăn dễ làm trẻ hóc, sặc thức ăn vào đường thở.
BS. NGUYỄN THÀNH LONG
(BVĐK tỉnh)
Xin lưu ý thêm là chúng ta phải cẩn thận khi cho trẻ em ăn thạch rau câu, loại nhỏ nhỏ, tròn tròn, có nhiều màu xanh đỏ vàng tím, đóng trong các bì nhựa cứng. Loại này, khi ăn, trẻ hay người lớn thường lột vỏ nắp ra, đưa vào miệng hút, hoặc bóp phía sau cho nó chạy tọt vào miệng. Đã có nhiều trẻ đã bị sặc, đặc biệt là chạy tọt vào đường khí quản ( đường thở) thay vì chạy vào đường thực quản. Có em đã bị nghẹt thở, tím tái, nguy cơ tử vong. Loại này thì bác sĩ cũng muốn bó tay vì đưa kẹp vào gắp rất khó, vừa trơn trợt, vừa dễ bể ra theo mảnh, tiếp tục rớt sâu vào trong phổi. Cho nên, cho trẻ ăn là phải lấy ra chén cho trẻ xúc ăn !