Thực hiện Dự án “Dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn đầm Thị Nại”:
Hỗ trợ khả năng chống chịu BĐKH cho người nghèo
Ðược sự nhất trí của UBND tỉnh và sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET), thời gian qua, các hợp phần (HP) thuộc Dự án “Dịch vụ hệ sinh thái (HST) rừng ngập mặn đầm Thị Nại” đã được triển khai ở tỉnh ta. Ðây là dự án mang đậm tính nhân văn, đồng thời góp phần tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (BÐKH) ở TP Quy Nhơn.
Dự án vì người nghèo
Ông Đinh Văn Tiên - Phó Giám đốc Sở TN-MT, Giám đốc Văn phòng Điều phối về BĐKH (CCCO) tỉnh Bình Định, cho biết: Dự án thuộc khuôn khổ Chương trình “Mạng lưới các thành phố ở châu Á có khả năng chống chịu với BĐKH”. Đây là dự án mang đậm tính nhân văn và có ý nghĩa an sinh xã hội cao. Bởi lẽ, mục tiêu chính của dự án là nhằm góp phần giảm tính dễ bị tổn thương về BĐKH đối với người nghèo sinh sống ở khu vực ven TP Quy Nhơn đang mở rộng, thông qua việc phục hồi HST rừng ngập mặn đầm Thị Nại.
Dự án có 5 hợp phần (HP), thời gian thực hiện 4 năm, từ 2012 đến 2015, gồm: Đánh giá HST, lựa chọn địa điểm và tiêu chí HST (HP 1); nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (HP 2); quy hoạch quản lý tài nguyên và xây dựng một thỏa thuận đồng quản lý (HP 3); hỗ trợ các sinh kế thay thế (HP 4); phục hồi rừng ngập mặn (HP 5).
Thời gian qua, CCCO tỉnh đã phối hợp với các nhà khoa học và các cơ quan, đơn vị liên quan nỗ lực triển khai thực hiện các HP của dự án. Đối với HP 1, các nhà khoa học thuộc Viện Hải Dương học Nha Trang và Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế đã hoàn thành báo cáo về HST đặc trưng vùng ven bờ phía Tây đầm Thị Nại; tổng quan về điều kiện môi trường liên quan đến phục hồi và quản lý rừng ngập mặn phía Tây đầm Thị Nại; hiện trạng môi trường phía Tây đầm Thị Nại trong mối quan hệ với việc phục hồi rừng ngập mặn; kết quả giám sát nguồn lợi thủy sản khu vực đầm Thị Nại; đề xuất địa điểm trồng rừng ngập mặn ở các địa phương phía Tây đầm Thị Nại; phân tích giá trị kinh tế HST rừng ngập mặn…
Theo ngành chức năng, các kết quả trên có chất lượng chuyên môn cao, đóng vai trò quan trọng cung cấp nguồn tư liệu đầu vào cho các HP khác. Đây cũng là nguồn tư liệu đáng tin cậy để đánh giá sự thay đổi, hiệu quả của công tác phục hồi rừng ngập mặn của các dự án và các công trình nghiên cứu về HST rừng ngập mặn có liên quan.
Theo ông Ngô Thanh Hoàng Song, Giám đốc Ban quản lý (BQL) Khu sinh thái Cồn Chim, về HP 5, bên cạnh việc chuẩn bị đủ số lượng cây giống đảm bảo đủ tiêu chuẩn, chất lượng, BQL đã tiến hành hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư khu vực trồng rừng ngập mặn, đồng thời tổ chức trồng rừng ngập mặn. Đến nay, khu vực thôn Diêm Vân và thôn Thái Bình (xã Phước Thuận - Tuy Phước) BQL đã tiến hành trồng, chăm sóc và bảo vệ 11 ha rừng ngập mặn…
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện
Dự án “Dịch vụ HST rừng ngập mặn đầm Thị Nại” đã và đang được tích cực triển khai ở vùng dự án, bước đầu đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên, theo ông Đinh Văn Tiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án cũng còn một số tồn tại, khó khăn. Theo đó, HP 3 vẫn còn một số nội dung chưa hoàn thành theo đúng tiến độ, như về quy chế quản lý bảo vệ rừng, xây dựng kế hoạch chi tiết phát triển du lịch sinh thái khu vực đầm Thị Nại, tổ chức các lớp đào tạo nghề thích ứng với quá trình đô thị hóa…
Viện Nghiên cứu chuyển đổi xã hội và môi trường (ISET) là một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận quốc tế có trụ sở tại Mỹ, Nepal và Ấn Độ. Tổ chức này hỗ trợ các đổi mới ở địa phương nhằm giúp cho công tác quản lý tài nguyên nước, thích ứng với BĐKH và các sự kiện bất thường được thực hiện một cách tốt hơn.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, CCCO tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuẩn bị các phương án và giải pháp cụ thể, thiết thực. Ông Đinh Văn Tiên cho biết: Đối với HP 1, CCCO tỉnh yêu cầu Viện Hải dương học Nha Trang và Trường Đại học Kinh tế Huế trong tháng 11.2013 phải hoàn thiện báo cáo và kết quả phân tích giá trị kinh tế của HST rừng ngập mặn đầm Thị Nại; trong tháng 5-6.2014 phải tiến hành nghiên cứu tại thực địa và tháng 6-7.2014 tiến hành phân tích số liệu và viết báo cáo. Đồng thời, trong tháng 5-6.2014, hai đơn vị trên phải hoàn thành đánh giá lợi ích của việc phục hồi và quản lý HST để tiến hành chọn địa điểm phục hồi rừng ngập mặn… Đối với HP 2, CCCO tỉnh yêu cầu: Từ nay đến cuối năm 2013, ISET phải hoàn thành việc hỗ trợ thực hiện đánh giá rủi ro và lập kế hoạch thích ứng dựa vào cộng đồng; hỗ trợ việc thực hiện các biện pháp giảm nhẹ rủi ro do cộng đồng đề xuất gắn với việc quản lý HST và phục hồi rừng ngập mặn.
Đối với HP 5, theo ông Ngô Thanh Hoàng Song, BQL Khu sinh thái Cồn Chim sẽ tiếp tục triển khai công tác chăm sóc rừng theo đúng kỹ thuật và tiến hành gieo ươm, chuẩn bị cây giống. Trong khoảng từ tháng 11.2013 đến tháng 3.2014, đơn vị sẽ hoàn thành công tác thiết kế, tập huấn kỹ thuật, ký hợp đồng giao khoán và trong thời gian từ tháng 12.2013 đến tháng 4.2014 sẽ triển khai trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng tại Nhơn Bình (Quy Nhơn), Phước Sơn, Phước Thuận (Tuy Phước). Đồng thời, trong 2 đợt (từ tháng 1 đến tháng 6.2014 và từ tháng 11 đến tháng 12.2014) sẽ triển khai trồng dặm rừng trồng năm thứ nhất…
VIẾT HIỀN