Chuẩn bị ứng phó với mưa, lũ năm 2018: Chủ động, sẵn sàng!
Vào mùa mưa bão, người dân sinh sống vùng sạt lở dọc các con sông, cửa biển, vùng đồi núi… trong tỉnh luôn đối diện nỗi lo về nguy cơ mất an toàn. Ðể chủ động ứng phó với tình huống xấu có thể xảy ra, công tác phòng, chống thiên tai đang được chính quyền các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm.
Còn hơn 5.100 hộ dân sinh sống vùng nguy hiểm
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã tái định cư cho 2.789 hộ dân sinh sống ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; hiện còn 5.106 hộ sống ở vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai cần phải di dời; tập trung chủ yếu ở huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, TX An Nhơn…
Việc triển khai các đợt tập huấn về phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng ứng phó cho người dân, nhất là các hộ sống trong vùng chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt.
- Trong ảnh: Tập huấn kỹ năng cứu hộ cứu nạn cho bà con ở xã Phước Lộc (Tuy Phước) từ một tình huống giả định.
Tại huyện Vĩnh Thạnh, theo ghi nhận của PV, hiện có hàng trăm hộ dân sinh sống dọc sông Côn đoạn qua các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Quang, Vĩnh Hiệp đang nằm trong diện phải di dời khi có bão, lũ lụt xảy ra. Đơn cử như ở xã Vĩnh Thịnh, hiện có hơn 100 hộ dân đang đối diện với nguy cơ mất nhà cửa, đất vườn khi hiện tượng sạt lở bờ sông Côn đang lấn sâu, nhất là đoạn qua 2 thôn An Ngoại và Vĩnh Thái; trong khi kinh phí để xây dựng kè chống sạt lở chưa có.
Ông Lê Văn Ðẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Ngoài xã Vĩnh Thịnh, trên địa bàn huyện hiện có 35 hộ ở thôn Ðịnh Bình (thị trấn Vĩnh Thạnh), 4 hộ ở thôn Ðịnh Tường (xã Vĩnh Quang), 48 hộ ở thôn Thạnh Quang (xã Vĩnh Hiệp) đang sống dọc sông Côn cũng nằm trong diện phải di dời khẩn cấp khi có mưa lũ lớn xảy ra”.
Còn ở huyện An Lão, qua thống kê có 1.226 hộ với 4.266 nhân khẩu đang sinh sống trong vùng chịu ảnh hưởng khi có thiên tai (bão, lũ) xảy ra cần phải di dời khẩn cấp. Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho hay: “Địa phương vốn là nơi có nhiều đồi núi dốc, sông, suối. Do vậy, vào mùa mưa bão, người dân thường gặp nhiều khó khăn; đặc biệt, có xã còn bị chia cắt, cô lập khi có lũ lớn xảy ra, như các xã An Toàn, An Nghĩa, An Quang, An Hưng, An Hòa, An Tân. Hiện nay, huyện chỉ đạo các xã khẩn trương rà soát, cập nhật phương án sơ tán dân để chủ động ứng phó với diễn biến khi có bão, lũ xảy ra”.
Các khu vực cao ráo, an toàn là nơi được chọn lựa để di dời dân khi có bão, lũ xảy ra.
- Trong ảnh: Nhà mẫu giáo, trường học tại khu tái định cư Gò Núi Một, xã An Tân (An Lão) là một trong những điểm được huyện An Lão chọn để di dời dân khi có lũ lụt xảy ra.
Chủ động ứng phó
Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị và địa phương chuẩn bị chu đáo công tác PCTT theo phương châm “3 sẵn sàng” và “4 tại chỗ”. Cụ thể, với công tác chỉ huy tại chỗ, đến nay, UBND 11 huyện, thị xã, thành phố, UBND cấp xã đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT-TKCN và phân công nhiệm vụ cho các thành viên; đồng thời, phê duyệt phương án PCTT-TKCN năm 2018.
Đối với lực lượng tại chỗ, ngoài lực lượng chính quy, Bộ CHQS tỉnh đã bổ sung, kiện toàn 11 đại đội dự bị động viên ở huyện; 159 trung đội dân quân cơ động ở xã, 251 đội xung kích PCTT-TKCN ở các thôn, khu phố. Các sở, ngành, hội, đoàn thể các cấp và các DN đã kiện toàn đội thanh niên xung kích từ 20-30 người. UBND cấp huyện, cấp xã đã củng cố các đội xung kích PCTT trong đó có lực lượng dân quân tự vệ là nòng cốt. Đối với vật tư, phương tiện và trang thiết bị tại chỗ, các sở, ngành, đơn vị, UBND các cấp đã kiểm tra thiết bị, bảo dưỡng và vận hành thử phương tiện TKCN đảm bảo hoạt động bình thường; chuẩn bị một lượng vật tư, vật liệu như đất đắp, cát, đá hộc, sỏi, cọc tre tại chân công trình để xử lý sự cố. Còn đối với hậu cần tại chỗ, Sở Công Thương đã tổ chức dự trữ các mặt hàng thiết yếu như 7,12 tấn lương khô; 1.600 tấn gạo; 90.000 thùng mì tôm; 1,9 triệu lít xăng; 3 triệu lít dầu diezen. Sở Y tế đã tổ chức dự trữ 86 cơ số thuốc phòng chống lụt bão; 3,38 tấn ChoraminB bột; 1,08 triệu viên ChoraminB viên; 4.286 lít Permethrin…
Ngoài ra, đến nay, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã tập huấn về PCTT cho 1.220 người dân, 560 giáo viên, 11.650 học sinh; đào tạo 110 cán bộ cấp huyện về công tác PCTT; truyền thông, tuyên truyền PCTT tại 10 xã của huyện Tuy Phước và TX An Nhơn; tổ chức 10 cuộc diễn tập với 2.300 người tham gia…
NHƠN HỘI