Tuổi thọ người Việt Nam cao vượt trung bình thế giới
Năm 2015 tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,2 trong khi của thế giới là 69.
Ngày 27.8, tại Cần Thơ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV đã tổ chức hội thảo Định hướng chính sách chăm sóc xã hội đối với người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số.
Theo TS Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XII, XIII, hiện Việt Nam có trên 7.000 người trên 100 tuổi. Nếu như vào năm 1960, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 40, thế giới là 48 nhưng đến năm 2015 tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã là 73,2 trong khi thế giới là 69.
Còn ông Đoàn Hữu Minh, Trưởng phòng Công tác xã hội Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có khoảng 11,3 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 11,95% dân số). Trong đó, trên 1,9 triệu người từ 80 tuổi trở lên và 64,4% người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn.
Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á. Thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già ngắn hơn nhiều so với nước khác. "Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, đến năm 2050 tỉ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ chiếm 23%. Nếu năm 2009 cứ bảy người trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ một người cao tuổi thì đến năm 2034 là hơn ba người" - ông Minh cho biết thêm.
Trước tình trạng này, ông Tiên khuyến nghị Việt Nam cần có lộ trình tăng dần tuổi hưu, khuyến khích người cao tuổi tham gia lao động và hoạt động xã hội. Cạnh đó quan tâm đầu tư y tế cơ sở. Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ giúp 100% người cao tuổi có BHYT, từng bước phát triển bảo hiểm chăm sóc dài hạn…
Theo HẢI DƯƠNG (PLO)