“Ði ngang về tắt” - hậu quả khó lường
Mặc dù CA các huyện, thị xã, thành phố và chính quyền các địa phương thường xuyên tuyên truyền, xử phạt, lắp đặt biển báo “cấm đi ngược chiều” trên các tuyến đường, song tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông đi ngược chiều, “đi ngang về tắt” vẫn diễn ra khá phổ biến.
Người điều khiển xe máy đi ngược chiều trên QL1 đoạn qua huyện Tuy Phước.
Thói quen nguy hiểm
Hiện tượng người điều khiển xe đạp, xe máy đi ngược chiều vẫn diễn ra hàng ngày trên các tuyến đường trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trên QL1, nơi có lưu lượng, mật độ phương tiện lưu thông đông đúc, nhất là nhiều xe tải, xe khách. Các hành vi trên tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra tai nạn.
Hiện tượng trên còn xảy ra phổ biến ở các tuyến đường nội thị TP Quy Nhơn như đường Hùng Vương, Nguyễn Tất Thành, An Dương Vương, Nguyễn Thái Học, Ngô Mây…Vào giờ tan trường, trên đường Nguyễn Thái Học, đoạn trước cổng Trường THPT Nguyễn Thái Học, Trường Tiểu học Ngô Mây, nhiều phụ huynh và học sinh thản nhiên chạy xe ngược chiều. Không những vậy, nhiều nhóm học sinh điều khiển xe đạp điện ngược chiều, nhưng không đội mũ bảo hiểm, đi xe đạp dàn hàng 2, hàng 3, rất nguy hiểm.
Tốc độ lưu thông cho phép tối đa của các phương tiện trên tuyến quốc lộ hiện nay có thể đạt đến 80 - 90 km/h. Do vậy, việc người điều khiển phương tiện lưu thông đi ngược chiều sẽ khiến các lái xe khó xử lý và phản ứng với tình huống bất ngờ xảy ra. Tuy nhiên, thói quen tham gia giao thông tùy tiện, ngại đường xa, không tuân thủ pháp luật của người dân đã vô hình trung dẫn đến các vụ TNGT đau lòng.
Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt, CA tỉnh (PC67) cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ TNGT do đi ngược chiều trên các tuyến quốc lộ, làm 9 người chết và 4 người bị thương.
Xin nêu một trường hợp cụ thể. Vào lúc 19 giờ ngày 23.7, ô tô khách do ông Nguyễn Thạch (trú xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) điều khiển lưu thông trên tuyến QL 1 theo hướng Bắc - Nam, khi qua thôn Diễn Khánh, xã Hoài Đức (Hoài Nhơn) đã tông vào mô tô do ông N.N.S (36 tuổi, ở xã Hoài Đức) điều khiển đi ngược chiều. Hậu quả, S. tử vong tại chỗ. Điều đáng nói, đây là đoạn đường có dải phân cách cứng, nhưng ông S. đã điều khiển xe máy đi vào đường ngược chiều rồi đột ngột lách qua bên trái đường khiến người điều khiển ô tô khách không xử lý kịp, dẫn tới hậu quả đau lòng.
Không “đi ngang về tắt”
Để kéo giảm, kiểm soát TNGT xuất phát từ nguyên nhân đi ngược chiều, thời gian qua, lực lượng CSGT các địa phương đã tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là lỗi lấn làn, đi ngược chiều. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến đông đảo người dân. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan, chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà không lường hết hậu quả gây ra cho gia đình và xã hội.
Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó Trưởng phòng PC67, cho biết: Lực lượng CSGT toàn tỉnh sẽ tiếp tục xử phạt kiên quyết các trường hợp người tham gia giao thông đi ngược chiều, lấn làn với mục tiêu nâng cao hơn nữa ý thức của người dân về việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời, đơn vị phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền và CA các địa phương đa dạng hóa các hình thức truyền thông về hậu quả xuất phát từ việc “đi ngang về tắt”, nhất là ở các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh, nhằm tạo ra sức lan tỏa, sâu rộng trong người dân.
“Tôi nghĩ chính mỗi người dân phải thay đổi nhận thức của mình về văn hóa giao thông, ATGT bằng việc thực hiện, chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ. Ngoài ra, tôi cũng kiến nghị ngành GTVT rà soát, chấn chỉnh, khắc phục một số điểm lắp đặt dải phân cách chưa hợp lý, tạo điều kiện cho người dân đi lại an toàn”, trung tá Hoài chia sẻ.
Ðiều 5 và Ðiều 6 Nghị định 46/2016/NÐ-CP ngày 26.5.2016 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” quy định: Người điều khiển phương tiện khi đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “cấm đi ngược chiều” (trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định) bị phạt tiền từ 300 - 400 ngàn đồng đối với xe mô tô, xe đạp; phạt từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng đối với xe ô tô và bị tước bằng lái ít nhất 1 tháng.
TRỌNG LỢI