Giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn ở TP Quy Nhơn: Cần thường xuyên và triệt để hơn
Thời gian qua, UBND TP Quy Nhơn đã triển khai thực hiện Ðề án “Tập trung đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020” đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng này cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền và các cơ quan liên quan.
Một nhóm người xin ăn kéo đến “hành nghề” tại khu vực gần chùa Long Khánh…
Tình trạng người xin ăn tập trung ở nơi công cộng, xung quanh các cơ sở thờ tự của tôn giáo ngày càng nhiều. Họ tổ chức thành từng đoàn, nhóm, chia nhau đi xin ở các nơi này, nhất là vào các ngày lễ, hội. Tối 25.8, có một nhóm khoảng 30 người dân tộc thiểu số, trong đó có người già, phụ nữ, trẻ em tụ tập trước cổng chùa Long Khánh (đường Trần Cao Vân) để xin ăn; khoảng 22 giờ cùng ngày, họ đón 3 chiếc taxi cùng di chuyển khỏi nơi này, về hướng cầu Hà Thanh.
Tại khu vực đường Nguyễn Tất Thành (phường Lý Thường Kiệt), tầm 17 giờ đến 21 giờ, cũng thường xuất hiện một phụ nữ khoảng 50 tuổi, dáng người to béo, luôn tỏ ra suy nhược vì bệnh tật, hành nghề xin ăn. Người này được một thanh niên chở đến lề đường ngồi xin, sau đó lại chở bà ta về đường Ngọc Hân Công Chúa (phường Trần Phú) tiếp tục lang thang tại khu vực này. Tại đây, bà ta rũ bỏ vẻ suy nhược, tỏ ra là người có gia cảnh đáng thương để kêu gọi lòng từ tâm của người khác.
Còn tại khu vực ngã tư đường Trần Cao Vân và Tăng Bạt Hổ (phường Trần Hưng Đạo) khoảng 14 giờ hàng ngày, thường xuyên xuất hiện một cụ già cùng người con trai. 2 người ngồi tại trụ đèn đỏ, bên cạnh để xấp vé số và chiếc mũ. Người đi đường chủ yếu là cho tiền 2 mẹ con bà cụ chứ không mua vé số. Có thể thấy, đây cũng là một hình thức xin ăn trá hình, bởi buổi sáng, 2 người này thường “hành nghề” ở khu vực trụ đèn đỏ ngã ba đường An Dương Vương và Chương Dương (phường Nguyễn Văn Cừ).
Ngoài ra, tại các khu vực tập trung hàng quán đông đúc như các đường Nguyễn Thị Định, Xuân Diệu, Ngô Văn Sở…, người xin ăn cũng rất nhiều, “thoắt ẩn thoắt hiện”. Họ dạo quanh các hàng quán để xin ăn rồi ngay sau đó rời đi nơi khác, đa số là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ, người đau ốm…
…sau đó đón taxi đi nơi khác (ảnh chụp tối 25.8.2018).
8 tháng đầu năm, tổ công tác của thành phố và các phường, xã đã tổ chức tập trung được 30 người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn, tâm thần. Ngoài ra, với quy định thưởng cho người báo tin đầu tiên (200 ngàn đồng/lần) đến đường dây nóng của bộ phận chức năng, đến nay đã có 5 triệu đồng tiền thưởng được chi. Như vậy, có thể thấy, bước đầu công tác tập trung người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn đã hạn chế phần nào hoạt động của các đối tượng này.
Tuy vậy, bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng Phòng LĐ - TB&XH TP Quy Nhơn, cho rằng việc giải quyết tình trạng lang thang, xin ăn còn gặp nhiều khó khăn là do nhiều người xem xin ăn là nghề. Do đó, họ trở nên “cảnh giác” hơn khi chính quyền tổ chức các đợt tập trung người lang thang, xin ăn. Mỗi khi có đợt tập trung, họ lẩn vào các khu chợ đông đúc, hành nghề vào ban đêm và thường xuyên thay đổi địa điểm, khiến công tác tập trung gặp khó khăn.
Có người còn được con cái chở đi xin ăn rồi chở về, có người dù đã được đưa về nhà vẫn quay trở lại đi xin ăn; nhiều người còn xin ăn trá hình bán hàng rong, vé số. Ngoài ra, sự hạn chế về cơ sở vật chất của cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần ở Hoài Nhơn, cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác giải quyết tình trạng này chưa đạt được kết quả như mong muốn.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các đợt tập trung. Để giải quyết triệt để tình trạng người lang thang, xin ăn, thiết nghĩ phải có sự phối hợp đồng bộ của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các hội, đoàn thể thành phố và các phường, xã trong việc vận động gia đình những người “hành nghề” xin ăn và có biện pháp hỗ trợ để họ nâng cao nhận thức, ổn định cuộc sống, không tái xin ăn”, bà Lan nói.
KIM CHI