Công tác bảo tồn bài chòi ở các địa phương: Lan tỏa hơn nữa giá trị của di sản
Tháng 5 vừa qua, tại TP Quy Nhơn, 9 tỉnh miền Trung đã long trọng đón bằng của UNESCO ghi danh bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Trong đó, Bình Ðịnh được xem như cái nôi của di sản văn hóa này. Ðến nay, dù tỉnh ta chưa phê chuẩn, công bố Ðề án bảo tồn và phát huy giá trị bài chòi, nhưng tùy tình hình, điều kiện thực tế, mỗi địa phương đều có cách khác nhau để tiếp tục bảo vệ, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này.
Hội đánh bài chòi ở các địa phương luôn thu hút đông đảo người xem.
- Trong ảnh: Hội đánh bài chòi tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền biển tỉnh lần thứ XIII - 8.2018 tổ chức ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ.
Hoài Nhơn được mọi người xem là nơi sản sinh ra nghệ thuật bài chòi. Nhờ vào niềm tự hào, có đông người mộ bài chòi nên dù không có hiệu mạnh như Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Hoài Nhơn vẫn là một trong những địa phương tích cực trong công tác bảo tồn bài chòi. Cứ 2 năm 1 lần, Liên hoan hội đánh bài chòi cổ Hoài Nhơn diễn ra sôi nổi, năm sau nhiều nét mới hơn năm trước. Thêm vào đó, ở Hoài Nhơn mỗi xã lại có 1 CLB bài chòi luyện tập định kỳ hàng tháng, là môi trường để nhiều câu thai mới ra đời.
Theo ông Lê Văn Tình, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Hoài Nhơn, sắp tới huyện sẽ tập huấn bài chòi trong trường học, sau đó tập huấn cho 17 xã, thị trấn. Hiện tại, 2 xã Hoài Thanh, Hoài Xuân đã nhân rộng CLB bài chòi về các thôn. Chỉ sau một thời gian ngắn, thôn nào cũng có 1 CLB bài chòi, sinh hoạt thường xuyên. Điểm đáng mừng là trong sáng tác câu thai mới, các CLB này có nhiều bộ câu thai đáp ứng đúng với độ tuổi, nhóm đối tượng. Ví dụ, bộ câu thai 12 con giáp dành cho học sinh mầm non vừa dễ nhớ, ngộ nghĩnh, đáng yêu nên các cháu nhớ nội dung rất nhanh… Hoài Nhơn còn rất chú trọng việc tìm kiếm, phát hiện, đào tạo đội ngũ kế thừa.
Nhiều địa phương khác cũng chú trọng việc đem bài chòi vào trường học. Ông Từ Văn Minh, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn, cho biết: Vào các ngày lễ tết, CLB Dân ca kịch bài chòi cổ TX An Nhơn thường tổ chức hô hát phục vụ. Bài chòi thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện thu hút đông đảo công chúng.
Tuy nhiên, chính ông Minh cũng thừa nhận, tầm như TX An Nhơn mà mới chỉ có 1 CLB bài chòi là quá ít. Thời gian tới, Trung tâm sẽ nỗ lực nhân rộng CLB bài chòi về các xã, phường, làm sao mỗi xã, phường đều có ít nhất 1 CLB bài chòi. Đồng thời cũng sẽ bàn bạc với ngành GD&ĐT để đưa bài chòi vào trường học.
Ở Vĩnh Thạnh, dù bài chòi không mạnh bằng các huyện đồng bằng nhưng vừa qua, Đoàn Thanh niên huyện đã quyết tâm thành lập CLB Bài chòi xã Vĩnh Quang. Trong đó, những nghệ nhân gạo cội của huyện như các ông Nguyễn Duy Cảnh, Nguyễn Đăng Khoa, Hồ Văn Nên, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Hồ Thị Thơ sẽ luyện tập cho lớp trẻ trong CLB.
TP Quy Nhơn là nơi đi đầu trong công tác bảo tồn bài chòi. Ngoài việc tổ chức các hội đánh bài chòi, vừa rồi thành phố đã tổ chức thành công Hội thi diễn xướng bài chòi dân gian học sinh THCS TP Quy Nhơn lần thứ I - năm 2018. Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, Trung tâm sẽ tập trung tổ chức hội thi này thường niên để gầy dựng phong trào trong học sinh, vì đích đến là phong trào quần chúng.
Hy vọng sắp tới đây, khi Đề án về bảo tồn và phát huy giá trị bài chòi được phê duyệt, công bố, các địa phương sẽ có thêm điều kiện để làm lan tỏa rộng khắp giá trị của di sản vào đời sống thực tế.
THẢO KHUY