Dấu ấn Việt Nam trong lòng bạn bè Ai Cập
Các phương tiện truyền thông Ai Cập và khu vực Trung Đông đã đăng tải nhiều tin bài về chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Trong đó, nhiều bài phân tích, bình luận về ý nghĩa của chuyến thăm đối với quan hệ song phương trên các lĩnh vực. Chuyến thăm cũng đã để lại ấn tượng sâu sắc với nhân dân Ai Cập.
Ở cấp cao nhất, Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi đã bày tỏ hoan nghênh Chủ tịch nước Trần Đại Quang - một vị khách thân thiết của Ai Cập và nói lên sự ngưỡng mộ, tự hào của nhân dân Ai Cập đối với nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng trước đây cũng như trong sự nghiệp phát triển ngày nay. Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ góp phần tăng cường quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế, đầu tư vì lợi ích của nhân dân các nước.
Thủ tướng Mustafa Madbouli cũng tin rằng sự đồng thuận lãnh đạo chính trị giữa hai nước sẽ tạo ra các cơ hội đầu tư, hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau. Điều này nhằm đảm bảo cơ chế hợp tác và tối đa hóa lợi ích, khả năng của mỗi bên thông qua tất cả các thoả thuận, biên bản ghi nhớ và các chương trình đã ký kết.
Tất cả các tờ báo của Ai Cập và khu vực đăng nhiều hình ảnh, tin bài và khẳng định các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Ai Cập của Chủ tịch nước Trần Đại Quang rất hiệu quả, qua đó góp phần tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước ở các cấp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và an ninh, văn hóa cũng như hợp tác trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế vì lợi ích chung.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam tới Ai Cập và Ethiopia còn phản ánh tầm ảnh hưởng và vai trò của hai nước này ở châu Phi, đồng thời thúc đẩy chính sách hướng đông của Ai Cập trong xu thế các nền kinh tế quốc tế đang tiến tới phía đông và đông nam châu Á.
Dư luận Ai Cập tin rằng chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch nước Việt Nam tới Ai Cập rất hiệu quả, thúc đẩy phát triển song phương trên các lĩnh vực. Hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác để sớm đạt kim ngạnh trao đổi thương mại 1 triệu USD. Biên tập viên của Tạp chí chính trị quốc tế Ahmed Naji Qamhah chỉ ra rằng Ai Cập là một cửa ngõ quan trọng để hàng hóa của Việt Nam vào châu Phi và ngược lại.
Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ phát triển đáng kể, đặc biệt là trong việc tăng kim ngạch xuất khẩu, thành lập các khu công nghiệp chuyên ngành để thúc đẩy hàng hóa nội địa của ngành công nghiệp và giao thông vận tải, công nghệ. Năng lực sản xuất của Việt Nam đạt hiệu quả cao, nhất là trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Đây là kinh nghiệm quý cho Ai Cập thúc đẩy phát triển sản xuất.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn cấp cao Việt Nam là dịp để nhiều người dân Ai Cập được thấy và hân hoan chào đón vị nguyên thủ của đất nước mà họ luôn ngưỡng mộ. Chuyến thăm đã để lại cho họ một ấn tượng sâu sắc và một niềm tin vững chắc rằng dù trong công cuộc đấu tranh giành độc lập trước đây hay trong công cuộc phát triển kinh tế ngày nay, Việt Nam và Ai Cập luôn luôn đoàn kết, sát cánh và ủng hộ lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân mỗi dân tộc./.
Theo Ngọc Thạch (VOV)