3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (2016 – 2018): Nhiều nét tươi vui, phấn khởi
Giữa kỳ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh ta tiếp tục đạt được các chỉ tiêu quan trọng, tạo điều kiện cho người lao động về việc làm, nâng cao năng suất và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Khối thi đua Tham mưu - Tổng hợp tỉnh bàn giao nhà Đại đoàn kết cho ông Lê Chắc, ở thôn Tân Xuân, xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân.
Kích hoạt ước muốn thoát nghèo
“Chìa khóa” của giảm nghèo là tinh thần vươn lên, ước muốn thoát nghèo của chính những người nghèo. Khi người nghèo nỗ lực, họ sẽ được tiếp cận các chương trình tạo việc làm, phát triển sản xuất hướng tới mục tiêu thoát nghèo, giảm nghèo bền vững. Theo số liệu của ngành LĐ-TB&XH, mỗi năm, Bình Định đã tư vấn việc làm, tư vấn nghề cho 24.000 - 25.000 lượt người, giới thiệu việc làm cho 3.000 - 4.000 lao động; cung ứng cho các DN trong và ngoài tỉnh khoảng 5.000 - 7.000 lao động. Hằng năm, tạo việc làm cho hơn 29.000 lao động, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề, bồi dưỡng nghề đạt 52% trở lên.
Xuất khẩu lao động - một trong những kênh giảm nghèo bền vững - có nhiều chuyển biến tích cực khi có 1.492 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 100% kế hoạch đề ra. Trong đó, riêng thị trường “khó tính” như Nhật Bản tới 1.253 lao động.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tỉnh (49 tuổi, ở thôn Trà Cong, xã An Hòa, huyện An Lão) có 2 người con tham gia xuất khẩu lao động là chị Nguyễn Thị Vạn (vừa về nước) và anh Nguyễn Hữu Phái, đều làm việc tại Nhật Bản. Ông Tỉnh cho biết: “Thu nhập trung bình của mỗi đứa được khoảng 15 - 18 triệu đồng/tháng, sau khi đã trừ mọi chi phí. Tiền của đứa đi trước gửi về đủ để trả nợ đã vay mượn để trang trải chi phí cho đứa đi sau. Sau đó cả hai cùng hỗ trợ cha mẹ cất lại nhà. Năm 2017 gia đình tôi chủ động xin rút ra khỏi diện hộ nghèo”.
An cư mới lạc nghiệp, vì vậy các địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo nhiều chương trình khác nhau. Trong đó, thực hiện cho vay hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho 860 hộ nghèo với tổng số tiền 38,644 tỉ đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã huy động Quỹ “Vì người nghèo” thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 562 nhà ở cho hộ nghèo, kinh phí 14,109 tỉ đồng; Ngân hàng Công Thương Việt Nam đã hỗ trợ 200 nhà ở cho hộ nghèo, kinh phí 10 tỉ đồng.
Trong ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới, ông Lê Chắc (82 tuổi, ở thôn Tân Xuân, xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân) phấn khởi đón khách. Ông Chắc bảo: “Chưa mua sắm gì nhân dịp có nhà mới cả. Toàn bộ tiền hỗ trợ, tôi đem thanh toán nợ ở cửa hàng vật liệu xây dựng. Con gái tôi đang đi làm ở Sài Gòn cũng vay mượn thêm để hỗ trợ cha mẹ. Tôi đã già yếu, bà nhà thì tai biến nằm một chỗ 5 năm nay, nhờ vào sự ủng hộ của các đơn vị, sự quan tâm của địa phương, tôi mới có căn nhà trong mơ này”. Có được căn nhà kiên cố này, ít nhất vợ chồng ông Chắc sẽ yên tâm hơn khi vào mùa bão lụt.
Xuất khẩu lao động tiếp tục là kênh giảm nghèo bền vững của người nghèo có ý chí, khát khao vươn lên.
- Trong ảnh: Phỏng vấn xuất khẩu lao động.
Đạt nhiều chỉ tiêu
Theo Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh, bình quân thu nhập của người dân trên địa bàn tại các huyện nghèo đã tăng từ 1,6 triệu đồng/tháng lên gần 2 triệu đồng/tháng. Trong đó gần 30% số hộ nghèo đã có mức thu nhập vượt qua chuẩn cận nghèo.
Đến nay, 100% hộ nghèo về thu nhập và hộ nghèo đa chiều thiếu hụt thẻ BHYT, hộ cận nghèo mới thoát nghèo (trong 5 năm), hộ cận nghèo sinh sống tại huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và nhân dân sinh sống tại các vùng KT-XH đặc biệt khó khăn, tại xã đảo được hỗ trợ BHYT. Tỉ lệ người dân tham gia BHYT toàn dân đạt 88,5%. 97,5% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% trạm y tế có bác sĩ.
Số người nghèo ở nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 95,7%. Có 10.000 giếng, bể công cộng, vòi nước máy hợp vệ sinh được cấp mới. Trên 46.540 người dân sử dụng các công trình cấp mới trong năm, nâng tỉ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh 97,2%.
Cơ sở hạ tầng KT-XH ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới. Qua đó, 89% đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 76% đường trục thôn, làng và đường liên thôn, làng ít nhất được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm...
NGUYỄN MUỘI