Ấm áp ký ức về mẹ...
Mùa sương thương mẹ là tập tản văn của tác giả trẻ Phan Ðức Lộc do NXB Kim Ðồng ấn hành. Tập sách gồm 28 bài viết, là những ký ức đồng quê, gia đình, bè bạn… của miền hoài niệm thơ ấu dung dị, mộc mạc, lay gợi bao hoài niệm tuổi thơ của mỗi người.
Với giọng văn nhẹ nhàng, chất phác dễ dàng cảm nhận ra rằng Lộc là người kể chuyện đồng quê. Ðộc giả như được Lộc “rủ rê” lên chuyến tàu ngược dòng ký ức để thả mình vào mênh mông đồng chiều, được cảm nhận cái tình quê chân thành của chòm xóm láng giềng, êm đềm trong xa xăm hoài niệm. Bởi vậy, có lúc Lộc đắn đót: “Ngày nay, nhà người này ngăn cách với nhà người kia bằng tường cao, rào thép. Người ta sống với nhau hời hợt theo cái kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng” nên tình xóm nghĩa làng cũng vì thế mà cũng chẳng còn thân thiết và gắn bó như xưa… (Mùa giáp hạt).
Dễ nhận thấy những trang viết về mẹ là những trang văn giàu cảm xúc hơn cả. Ðó là bóng dáng của mẹ thấp thoáng trong những cây tò he đã in sâu trong ký ức tuổi thơ; là mẹ hiện diện trong sự chia sẻ thầm lặng của bù nhìn rơm; là mẹ cùng bông thạch thảo từng đêm mong ngóng ba về. Hoặc, mẹ với tất cả những đôn hậu, hiền từ đầy ấm áp yêu thương dành cho con cái trong nhiều bài viết như Nỗi lo mùa mưa lũ, Gác bếp yêu thương, Mùa sương thương mẹ… Ðặc biệt, người đọc xúc động với câu chuyện “dì ghẻ con chồng” trong Chiếc roi mây. Thương cho roi cho vọt, mỗi lần người dì dùng đến chiếc roi mây khi con phạm lỗi lầm lòng bà lại đau, lại xót. Bà giằng giữ nỗi đau thầm lặng khi chồng đi với người đàn bà khác bao năm để nuôi nấng đứa trẻ không cùng huyết thống nên người, bằng tình thương của một người mẹ thật sự. Ðứa trẻ theo tháng năm đã nhận ra giá trị đích thực của yêu thương, và xem dì như mẹ của mình. Tiếng thầm gọi “Mẹ ơi!” nơi cuối bài viết là tiếng lòng lằng lặng đã làm trỗi dậy nhiều cảm xúc cho người đọc.
Tập sách khá ấn tượng. Thật tiếc, có đôi chỗ Lộc hơi dàn trải, loãng mất cảm xúc. Và đôi khi, sự nhập vai, phân thân của Lộc - như một bứt phá để truyền tải thay tâm sự của một đối tượng, nhân vật nào đó, lại chưa thật sự hiệu quả.
VÂN PHI