Không xa đâu Trường Sa ơi! (*)
Ðể các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa vững vàng tay súng, gia đình của các anh luôn là hậu phương vững chắc và hướng về các anh với tất cả niềm tin, lòng tự hào.
Bà con cùng chung vui khi thượng úy Đinh Văn Vê (bên phải), ở thôn T1, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân được nghỉ phép về thăm nhà.
Thật may mắn cho chúng tôi khi đến thăm gia đình thượng úy Đinh Văn Vê (29 tuổi, ở thôn T1, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân), đang công tác tại đảo Trường Sa lớn vào đúng dịp anh được nghỉ phép về thăm nhà. Anh Vê là người dân tộc thiểu số duy nhất trong tỉnh đang làm nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa. Anh chia sẻ: “Sống, chiến đấu nơi tiền tiêu của Tổ quốc, chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng có đồng đội đồng cam cộng khổ, đoàn kết, gắn bó lại được gia đình, địa phương luôn quan tâm, động viên, giúp chúng tôi có thêm động lực để chắc tay súng, hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà đất nước giao phó”.
Gian nhà của gia đình anh Vê bình thường im ắng, nay rộn ràng tiếng cười nói của bà con, của các em nhỏ đùa vui tíu tít. Vậy mới thấy, người dân yêu quý các chiến sĩ biết bao dù không máu mủ ruột rà, bởi một điều hiển nhiên mà vô cùng thiêng liêng: “Đoàn Vệ quốc của chúng ta, ở nhân dân mà ra, được dân mến, được dân tin muôn phần” (lời bài hát Vì nhân dân quên mình, sáng tác Doãn Quang Khải).
Vợ anh Vê - chị Đinh Thị Hương (23 tuổi) bẽn lẽn cười khi được hỏi về cuộc sống gia đình: “Chỉ cần được gần anh là vui rồi, chẳng có gì hơn vậy. Khi tôi mang bầu chỉ có một mình, anh thường xuyên gọi điện hỏi thăm... Cũng tủi khi chồng đi xa không ở cạnh chăm sóc, nhưng nhờ ba mẹ hai bên, bà con bên cạnh, vất vả rồi cũng qua”.
Nguồn: BTV
Về phép lần này, điều khiến anh Vê vừa áy náy bao nhiêu lại vừa thương con bấy nhiêu, là đứa con gái 3 tuổi cứ “lơ là” ba, bởi anh công tác xa nhà thời gian dài, con gái “quên” mặt ba. Nên lần này về thăm nhà, anh cố gắng gần gũi con, mong sau này lớn lên con sẽ hiểu và thương cha, tự hào về cha mình…
Đến thăm nhà thượng úy Nguyễn Duy Tấn tại thôn Hy Thế, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, đang làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa lớn (thuộc Quần đảo Trường Sa), chúng tôi vô cùng xúc động khi nghe ông Nguyễn Văn Bề - cha của chiến sĩ Tấn, tự hào chia sẻ: “Nhà tôi ai cũng từng là quân nhân, con tôi đang nối tiếp truyền thống ấy. Nhớ con nhiều nhưng cũng chỉ mong con giữ sức khỏe, công tác tốt”.
Ông Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hoài Châu Bắc, bày tỏ: “Chúng tôi tự hào lắm, khi địa phương có một chiến sĩ đang bảo vệ Tổ quốc nơi đảo xa. Để Tấn vững tâm làm nhiệm vụ, địa phương luôn quan tâm động viên gia đình và là hậu phương vững chắc cho anh”.
Đó cũng là suy nghĩ chung của những gia đình, địa phương có con em công tác ngoài đảo xa, nơi biên cương Tổ quốc. Những ngày này, bố của thượng úy Trần Đức Thắng (nhà ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) ốm nặng, nhưng mẹ anh nhất quyết không cho con trai biết, để anh yên tâm công tác ở đảo Sơn Ca (Quần đảo Trường Sa). Bố anh Thắng, nhìn gầy gò, mệt mỏi do bệnh tật giày vò nhưng vẫn cố kiềm chế những cơn ho để trò chuyện với khách. Và khi nhắc đến con trai, mắt ông lại ánh lên niềm vui: “Tôi tự hào về nó!”.
Toàn tỉnh có 37 chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa. Đi cùng Đoàn ĐBQH tỉnh đến thăm gia đình các chiến sĩ nhân dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, chúng tôi có dịp hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu của các chiến sĩ nơi đảo xa và người thân của các anh nơi đất liền. Không được ở bên cạnh con, họ chỉ có chung một mong ước, đó là các anh giữ gìn sức khỏe để công tác tốt.
KIM CHI
(*) Lời bài hát “Gần lắm Trường Sa”, tác giả Hình Phước Long.