Người cựu binh say mê lao động
Ông Nguyễn Ðức Thạnh (76 tuổi, thôn Hưng Nhơn Bắc, thị trấn An Lão, huyện An Lão) là thương bệnh binh mất sức lao động 71%. Rời quân ngũ, ông cùng vợ miệt mài lao động suốt 35 năm, trở thành tấm gương cho con cháu về tình yêu lao động, làm giàu chính đáng.
Ông Thạnh (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) được biểu dương tại Lễ gặp mặt người có công tiêu biểu cấp tỉnh nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Ông Thạnh quê gốc ở huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Năm 1968, ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu rồi trở thành trung úy trợ lý tham mưu Trung đoàn 36, Sư đoàn 332, Quân khu 5. Năm 1969, ông được điều về Tỉnh đội Bình Định rồi về tăng cường cho huyện Hoài Ân. Tại đây ông đem lòng yêu mến nữ chiến sĩ đất Võ hai lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn Quân khu Diệp Thị Nguyệt, ông Thạnh quyết định ở lại Bình Định để xây dựng hạnh phúc gia đình.
Năm 1983, vì sức khỏe yếu, ông và vợ xuất ngũ, về quê. Cuộc sống nhiều khó khăn, thiếu thốn càng làm người lính Cụ Hồ quyết tâm chăm chỉ làm việc, thoát khỏi cảnh nghèo khó. Ông bắt đầu với 40 con vịt. “Thời điểm đó, nhiều người chê cười ông bộ đội như tôi lại đi chăn vịt. Thế nhưng, với 40 con vịt và số trứng thu được mỗi ngày, tôi đã phần nào trang trải được các chi phí cho gia đình, rồi dần dần nâng số lượng vịt lên. Lúc đỉnh điểm, tôi có 600 con vịt siêu trứng trong đàn, bình quân mỗi ngày thu về cả triệu đồng tiền trứng. Tự hào lắm vì đồng tiền ấy do chính mình bỏ công sức, mồ hôi ra mà”, ông Thạnh kể.
Ông Thạnh ngừng chăn vịt hơn 3 năm trước vì lý do sức khỏe, tuổi già. Thế nhưng nhắc đến công việc này, ông không giấu nổi niềm tự hào. Bởi nhờ số tiền từ bán trứng vịt, ông nuôi 4 người con ăn học đàng hoàng; mua được 10 ha đất rẫy sau 12 năm tích cóp. Từ diện tích đất rẫy này, ông mở rộng ra trồng trọt để tăng thu nhập cho gia đình. Đầu tiên, ông Thạnh trồng cây điều. Điều năm được năm mất, ông lại thâm canh trồng mì cao sản. Đến năm 2007, ông dành 2 ha để trồng keo lai thử nghiệm. Đến năm 2011, bán lứa keo, ông thu về 180 triệu đồng và quyết định phá hết điều chuyển sang trồng keo. Lứa keo tiếp theo đem về cho ông hơn 660 triệu đồng vào năm 2015.
Ông Thạnh vẫn làm việc, chăm sóc cây trồng để đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Cái duyên với nông nghiệp lại dẫn dắt ông, năm 2013, khi xem một chương trình nói về cây bơ, ông liền liên lạc với cơ sở cung cấp giống ở tỉnh Đắk Lắk để mua cây bơ con về trồng. Nay 1 ha bơ của ông đã bước sang năm thứ 5, bắt đầu đem lại thu nhập. Còn 1 ha bơ 3 năm tuổi thì đang phát triển rất tốt, hứa hẹn năm sau có thể cho quả. Chưa dừng ở đó, ông còn mạnh dạn trồng 1,5 ha bưởi da xanh, 50 gốc mít Thái... Nhằm nâng cao chất lượng, năng suất, ông Thạnh thường xuyên học hỏi kinh nghiệm trồng trọt qua tivi, mạng internet. Đặc biệt, ông còn mời các kỹ sư nông nghiệp về tư vấn cách chăm sóc cây trồng trong từng giai đoạn sinh trưởng.
Câu chuyện làm giàu của người cựu chiến binh có lẽ vẫn chưa dừng lại dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Vẫn nét rắn rỏi, cương nghị, nói được làm được của người lính, ông Thạnh khẳng định mình vẫn chưa muốn nghỉ ngơi. Hằng ngày, trên chiếc xe Honda Cup, ông vào rẫy để vun vén, trông coi số cây ăn quả của mình. Ông bảo: “Bao nhiêu năm lao động, tôi hiểu: thiếu đói là điều khổ nhất. Muốn thoát khỏi nghèo khó, phải chăm chỉ, đầu tư, làm việc mỗi ngày. Hơn nữa, bao nhiêu anh em đồng chí đã ngã xuống; mình còn sống, còn đủ sức khỏe thì không được lười biếng”.
NGUYỄN MUỘI