Kinh doanh thực phẩm tiện lợi nở rộ ở TP.Hồ Chí Minh
Trước tình trạng thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn tràn lan trên thị trường, trong khi hiểu biết, ý thức lựa chọn của người tiêu dùng ngày một nâng cao, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh và hộ kinh doanh ở Thành phố Hồ Chí Minh đã mở rộng, phát triển hàng loạt chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini… cung cấp các loại thực phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng.
Cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, siêu thị mini… là những mô hình kinh doanh đã xuất hiện khá lâu tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh việc chiếm tỉ lệ thị phần đáng kể trong ngành bán lẻ, các cửa hàng này ngày càng thu hút được số lượng lớn người dân chọn làm kênh mua sắm thực phẩm thiết yếu cho gia đình.
Chị Hoàng Anh, ở quận Phú Nhuận, cho biết một tuần chị đi cửa hàng thực phẩm an toàn gần nhà khoảng hai lần. Tại các cửa hàng thực phẩm an toàn, có bán hầu như tất cả sản phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày cho gia đình gồm thịt, trứng, đồ khô, rau củ, quả… Mặc dù giá thực phẩm ở những nơi này cao hơn ngoài chợ từ 5.000-50.000 đồng (tùy loại), nhưng đáp ứng được yêu cầu về nguồn gốc thực phẩm, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nên tạo tâm lý yên tâm khi sử dụng.
Một số chuyên gia cho rằng, không chỉ những đơn vị trong và ngoài nước đã có thương hiệu đang tăng cường tham gia vào thị trường Việt Nam, mà các nhà bán lẻ, doanh nghiệp mới cũng đang tích cực phát triển và mở rộng thương hiệu. Trong đó, ưu điểm đáng chú ý nhất của các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, siêu thị mini… là dễ dàng phát triển sâu vào khu dân cư, không đòi hỏi chi phí đầu tư cao và diện tích lớn, so với những mô hình khác như siêu thị, đại siêu thị khó triển khai do gặp trở ngại về địa điểm, diện tích…
Tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, có thể kể đến những chuỗi cửa hàng phổ biến trong khu dân cư như: Co.opFood, SatraFoods, Vissan, Thực phẩm hữu cơ Organica, New Chợ, CP Mart, SariFood, Shop&Go, Day&Night, Family Mart, Minimart…
Một số nhà bán lẻ khẳng định sẽ không ngừng phát triển mô hình này, như Liên Hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đang tập trung đầu tư phát triển sâu rộng chuỗi cửa hàng tiện lợi Co.opFood, Co.op vào khu dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp; hệ thống cửa hàng kinh doanh, giới thiệu sản phẩm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Visan) đã có mặt tại các quận, huyện ven thành phố; hệ thống SatraFoods tại Thành phố Hồ Chí Minh được xem là nền tảng để Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) triển khai mở rộng ra tỉnh, thành khác.
Theo một số đại diện các hợp tác xã, đơn vị sản xuất thực phẩm sạch, nếu trước đây sản phẩm chủ yếu được cung cấp vào hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán ăn cao cấp thì những năm gần đây mạng lưới cửa hàng thực phẩm an toàn trở thành kênh phân phối quan trọng và có sức tiêu thụ tăng liên tục. Qua đó cho thấy, người dân không còn tâm lý thích hàng hóa giá rẻ, ngại giá cao, mà chuyển sang ưu tiên lựa chọn thực phẩm chất lượng, đảm bảo sức khỏe.
Ông Huỳnh Minh Chánh, phụ trách cửa hàng thực phẩm an toàn ở quận Gò Vấp cho rằng: Cuộc sống ngày càng nhiều áp lực, con người cần nguồn thực phẩm đủ dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cho những hoạt động hàng ngày. Do đó, sản phẩm sạch dễ dàng được thị trường chấp nhận, nhưng để tạo điều kiện thuận lợi cho thực phẩm an toàn tiếp cận người dân đòi hỏi nhà bán lẻ, nhà phân phối phải liên kết chặt chẽ với nhà sản xuất để có giá thành hợp lý, xây dựng nhãn hiệu nhận biết…
Khảo sát thị trường cho thấy, thực phẩm an toàn đang kinh doanh đa dạng tại các cửa hàng phải đáp ứng yêu cầu được cấp một trong những chứng nhận gồm chứng nhận VietGap (Quy trình thực hành nông nghiệp tốt áp dụng cho sản phẩm Việt Nam), chứng nhận GlobalGap (Bộ tiêu chuẩn về nông trại được công nhận quốc tế dành cho việc sản xuất nông nghiệp tốt); đồng thời được đóng gói, in logo và thông tin đơn vị sản xuất. Hiện nay, nguồn hàng sản xuất tại các trang trại, hợp tác xã thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng… có giá thành cao hơn sản phẩm kinh doanh ngoài thị trường từ 15-30% nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận nhờ độ tin cậy về chất lượng.
Ngoài các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, siêu thị mini… là lĩnh vực dành cho các nhà đầu tư, nhà bán lẻ, thì từ đầu năm 2013 đến nay tại Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu xuất hiện ngày càng phổ biến các cửa hàng bán điểm tâm sáng, thức ăn nhanh thuần Việt. Theo đó, điểm chung của các cửa hàng này là có diện tích nhỏ, quầy thực phẩm được thiết kế bắt mắt, nhân viên bán hàng mặc đồng phục cùng tông với bảng hiệu cửa hàng.
Ông Đình Duy, chủ Cửa hàng thức ăn nhanh thuần Việt thuộc đường Pasteur, quận 3, chia sẻ, hiện nay, người dân rất hạn chế mua điểm tâm sáng, thức ăn nhanh ở những địa điểm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như xe bánh mỳ, gánh hàng rong, quầy hàng tạm bợ… trên các tuyến vỉa hè. Do đó, muốn duy trì hoạt động kinh doanh, các đơn vị phải chủ động thay đổi hình thức bán hàng, phương thức phục vụ và đặc biệt là thực phẩm cung cấp phải đảm bảo vệ sinh an toàn với chứng nhận của cơ quan quản lý của nhà nước.
Dạo qua nhiều tuyến đường thuộc trung tâm thành phố như Hai Bà Trưng, Cách Mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ, An Dương Vương… hay tại những khu vực có trường học, bệnh viện, cao ốc văn phòng… các cửa hàng kinh doanh điểm tâm sáng, thức ăn nhanh thuần Việt khá nhiều và tấp nập khách hàng. Bà Lê Thị Lành, khách hàng quen thuộc của cửa hàng Hồng Liên, đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, cho biết: ở cửa hàng này có thể tìm thấy những món điểm tâm sáng với giá phải chăng: bánh mỳ các loại, bánh giò, bánh tét, xôi… Mặc dù so với những điểm bán hàng bên lề đường, giá thành ở đây cao hơn 5.0000-10.000 đồng nhưng thực phẩm được chế biến, bày bán khá sạch sẽ nên được nhiều khách hàng quan tâm, sử dụng.
Tại cửa hàng kinh doanh điểm tâm sáng trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, mỗi ngày đều treo bảng thực đơn có niêm yết giá bán trước cửa hàng, thức ăn có thể mang đi gồm một món chính và một loại thức uống. Chủ cửa hàng tại đây cho rằng, mô hình kinh doanh điểm tâm sáng, thức ăn nhanh thuần Việt là một lĩnh vực khá hấp dẫn đối với doanh nghiệp trẻ, vì đầu tư cho một cửa hàng chỉ cần khoảng 200-300 triệu đồng.
Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả lợi thế cạnh tranh thông qua việc đáp ứng được nhu cầu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng thì khâu chọn lựa nhà cung cấp, nguồn thực phẩm và quy trình chế biến phải được kiểm soát chặt chẽ tuyệt đối.
Song song với việc cung cấp những thực đơn điểm tâm sáng, thức ăn nhanh thuần Việt an toàn, chất lượng, một số cửa hàng còn giới thiệu đến người dân thành phố các loại đặc sản đa dạng vùng miền. Trong đó, có thể kể đến những cửa hàng đặc sản như bánh mì Nem nướng Nha Trang, bánh Tét Trà Cuôn, bánh giò Hà Nội… Bên cạnh việc thu hút khách hàng Việt, những cửa hàng có vị trí thuận lợi ở khu vực quận 1, 3, 7… còn hấp dẫn được khách hàng là người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam hoặc du khách các nước.
. Theo Mỹ Phương (TTXVN)