Cồng chiêng thanh niên
Ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh hiện tại, ở cả 6 xã, 1 thị trấn có người Bana sinh sống, mỗi địa phương đều có 1 CLB cồng chiêng do ÐVTN tổ chức, sinh hoạt. Cách bảo tồn này đang tạo sinh khí mới cho cồng chiêng Vĩnh Thạnh, hứa hẹn về một đội ngũ nghệ nhân trẻ...
CLB cồng chiêng thanh niên làng M2 - xã Vĩnh Thịnh tại buổi sinh hoạt thường kỳ với sự hướng dẫn của nghệ nhân Đinh Kim. Ảnh: LONG VŨ
Ý tưởng về mô hình CLB thanh niên tham gia bảo tồn cồng chiêng (gọi tắt là CLB cồng chiêng thanh niên) tại mỗi xã, tiến tới nhân rộng ở mỗi làng, thôn là do Huyện đoàn Vĩnh Thạnh khởi xướng và tổ chức thực hiện từ năm 2017, có sự phối hợp tích cực của Trung tâm VH-TT&TT huyện cùng các địa phương trong huyện. Lúc triển khai, chương trình được làm điểm tại 4 địa phương, tương ứng với sự ra đời của 3 CLB cồng chiêng thanh niên: làng K8 - xã Vĩnh Sơn, làng M2 - xã Vĩnh Thịnh, làng M6 - xã Vĩnh Hòa và 2 làng Hà Ri, Thạnh Quang - xã Vĩnh Hiệp cùng thành lập, sinh hoạt chung 1 CLB.
Đến nay, mô hình này đã được “phủ sóng” tại 7 xã, thị trấn. Riêng xã Vĩnh Quang với 100% dân số là người Kinh, loại hình sinh hoạt được thay thế phù hợp bằng dân ca, bài chòi. Như vậy, ở Vĩnh Thạnh, với tinh thần xung kích của thanh niên, tất cả địa phương đều đã hình thành, đi vào sinh hoạt các tổ chức thanh niên tham gia bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, gồm 7 CLB cồng chiêng thanh niên và 1 CLB dân ca, bài chòi thanh niên!
Mỗi CLB cồng chiêng thanh niên có khoảng 20 người, trong đó phân nửa là đội múa xoang (nữ). Từ khi được thành lập, bên cạnh lịch sinh hoạt hàng tháng và tham gia trình diễn tại một số lễ hội truyền thống, buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở địa phương…, một số CLB đã được giao lưu, thể hiện năng khiếu của mình tại một sân chơi cấp huyện dành riêng cho cồng chiêng. Đó là Liên hoan giao lưu trình diễn các CLB cồng chiêng thanh niên huyện Vĩnh Thạnh lần thứ 1, tổ chức tháng 9.2017 tại làng Kon Tờ Lok, xã Vĩnh Thịnh. Dự kiến cuộc hội ngộ cồng chiêng thanh niên lần thứ 2 sẽ được tổ chức vào tháng 10.2018, hứa hẹn sẽ đông vui, hấp dẫn hơn về chuyên môn.
Theo lãnh đạo các CLB, bên cạnh sự ủng hộ của chính quyền địa phương, họ nhận được sự đồng hành tích cực từ các nghệ nhân trung niên, lớn tuổi ở làng. CLB cồng chiêng thanh niên làng K8 - Vĩnh Sơn có vai trò chủ lực của nghệ nhân Đinh Chương, CLB làng M2 - Vĩnh Thịnh có nghệ nhân Đinh Kim, CLB làng M6 - Vĩnh Hòa có nghệ nhân Đinh Trung Thắng, Đinh Y Khoa, Đinh Beng… Trong vai trò truyền dạy và quan trọng hơn cả là “truyền lửa”, họ không chỉ hướng dẫn cặn kẽ “bếp núc” chuyện đánh cồng chiêng, từ cách đánh, các bài chiêng cơ bản, đặc trưng nhất của người Bana, kỹ thuật chỉnh chiêng… mà hơn hết là khơi thêm tình yêu văn hóa cổ truyền cho thế hệ trẻ.
Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Thạnh Đinh Thị Thươn cho hay, huyện có 12,8% dân số là thanh niên Bana, đây là lực lượng tham gia đáng kể trong xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn bản sắc. Triển khai mô hình CLB cồng chiêng thanh niên, Huyện đoàn ý thức rõ về việc thành lập thì dễ, duy trì lâu dài và hoạt động hiệu quả, tạo ra đóng góp mới là điều khó. Do vậy song song với công tác tuyên truyền trong ĐVTN, đơn vị còn chú trọng phối hợp chặt chẽ với ngành văn hóa, chính quyền mỗi địa phương. Để tạo sân chơi cho các CLB và phần nào đánh giá hiệu quả phong trào, Huyện đoàn chủ trương duy trì tổ chức Liên hoan giao lưu trình diễn các CLB cồng chiêng thanh niên huyện Vĩnh Thạnh định kỳ hàng năm. Với mô hình này, địa phương đặt mục tiêu trong tương lai, không chỉ 7 xã, thị trấn mà mỗi làng Bana đều có CLB cồng chiêng.
Theo nhạc sĩ Đào Minh Tâm, trong các huyện miền núi của tỉnh, Vĩnh Thạnh có truyền thống mạnh về văn hóa truyền thống. Rõ nhất là tại các kỳ Ngày hội VH-TT dân tộc thiểu số miền núi tỉnh, phần trình diễn nghệ thuật dân gian truyền thống của huyện thường rất ấn tượng, đáng nói là phần lớn do người trẻ biểu diễn. Do vậy, cá nhân ông không bất ngờ về việc Vĩnh Thạnh thành lập được nhiều CLB cồng chiêng thanh niên, đồng thời tin tưởng vào hiệu quả hoạt động của mô hình nếu được tổ chức tốt.
Anh Đinh Văn Hiền, Phó Bí thư Đoàn xã Vĩnh Hòa, cũng là thành viên CLB cồng chiêng thanh niên làng M6 của xã này, chia sẻ, tại 3 làng Bana của xã, cồng chiêng hiện vẫn được sử dụng thường xuyên, không chỉ vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội truyền thống như đâm trâu, cầu mùa… mà cả mỗi cái đám hỏi, đám cưới trong làng. Do vậy, CLB rất có “đất” để thực hành diễn xướng, vừa được sinh hoạt năng khiếu vừa góp phần phục vụ cộng đồng. Trước khi tự nguyện tham gia, các thành viên đều ý thức đây là việc làm ý nghĩa, vì bản sắc của dân tộc mình. Cả 13 người đội cồng chiêng và cả đội xoang đều làm việc, sinh sống tại địa phương nên việc sinh hoạt khá tiện. Làng đã cấp cho CLB một bộ cồng chiêng tốt để tiện sinh hoạt bất cứ lúc nào, các nghệ nhân truyền dạy rất nhiệt tình, và các thành viên CLB đang nỗ lực để trở thành những hạt nhân, nghệ nhân cồng chiêng mới ở Vĩnh Hòa…
SAO LY