Giữ nghề đan mây tre truyền thống
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất vốn là cái nôi của nghề truyền thống mây tre đan, ngay từ nhỏ chị Nguyễn Thị Nhàn, ở thôn Trung Chánh, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, đã thừa hưởng sự khéo léo và đam mê với nghề của cha mẹ. Chị quyết tâm “giữ lửa” và đem lại sức sống mới cho nghề đan mây tre bằng cách làm mới.
Chị Nhàn và sản phẩm của mình trưng bày tại gian hàng của Hội LHPN huyện Phù Cát trong “Ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2018”.
Nhìn thấy thị trường thúng, rổ, nia, sàng đan thủ công ngày càng thu hẹp do không cạnh tranh được với đồ nhựa công nghiệp, chị Nhàn đã nghiên cứu và đổi mới sản phẩm, chọn đan những mặt hàng mới như: chao đèn, bình hoa, mành rèm, cột đèn, lẵng hoa, túi xách... để trang trí nội thất và phục vụ các lễ hội, sự kiện. Những sản phẩm làm bằng tay của chị khiến chúng tôi vô cùng thích thú. Chị Nhàn chia sẻ: “Khó khăn nhất trong quá trình sản xuất là việc xử lý mây, như sấy, nhuộm, tẩy, phơi… đều rất vất vả. Để hoàn thiện một túi xách nhỏ, tôi phải mất khoảng một ngày. Hiện cơ sở của tôi chỉ nhận đơn đặt hàng, mẫu mã của khách thì mới làm”.
Trải qua hơn 25 năm gắn bó với nghề, chị Nhàn đã nắm rõ những kỹ thuật để làm ra những sản phẩm tinh xảo, đẹp về thẩm mỹ và đảm bảo chất lượng. Nhưng không chỉ có vậy. “Với nghề thủ công truyền thống này, để duy trì hoạt động của cơ sở với 20 lao động, có thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng, chúng tôi phải làm mặt hàng chính là đan ghế, bàn, sô pha nhựa. Nhưng hễ có đơn đặt hàng của các công ty du lịch, công ty tổ chức sự kiện hoặc khu bán hàng lưu niệm là tôi ưu tiên ngay”, chị Nhàn chia sẻ.
Tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn và duy trì được nghề thủ công là tâm huyết lớn của chị Nhàn. Chị dành nhiều thời gian tham gia các hội chợ, trưng bày sản phẩm để quảng bá những mẫu mã cơ sở làm được. Nhìn chị tất bật với công việc, chúng tôi hiểu những giọt mồ hôi của sự vất vả, sự quyết tâm của chị trong giữ nghề truyền thống.
CÔNG HIẾU