Phát huy hào khí của Cách mạng Tháng Tám để đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững
Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Đó là kết quả sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, khi đó Đảng ta mới thành lập 15 năm và có chưa đến 5.000 đảng viên; là thắng lợi của nghệ thuật nắm bắt thời cơ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân trong cao trào Cách mạng Tháng Tám 1945 đập tan xiềng xích nô lệ hàng trăm năm của thực dân đế quốc, giành chính quyền về cho nhân dân.
Qua 73 năm, những bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 luôn tạo nên hào khí và sức mạnh nội lực cho toàn Đảng, toàn dân ta bước tiếp những chặng đường mới, viết tiếp những trang sử oanh liệt mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ; chiến tranh bảo vệ biên giới; thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước và kinh tế Việt Nam từng bước hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới... với những thành quả to lớn được bạn bè thế giới ghi nhận.
Năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều thuận lợi, như: Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Ở trong nước, kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao (năm 2017 GDP tăng 6,81%; 6 tháng đầu năm 2018 GDP tăng 7,34%), chính trị xã hội ổn định, công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh, nhất là công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt và có hiệu quả, niềm tin trong các tầng lớp nhân dân với Đảng được tăng lên; quốc phòng, an ninh, đối ngoại, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được tăng cường và nâng cao.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều thời cơ, thách thức, như: Tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn nhưng cuộc chiến tranh thương mại giữa một số nước, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng; chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang chi phối và ảnh hưởng đến tăng trưởng của kinh tế toàn cầu; cục diện thế giới theo xu hướng đa cực diễn ra nhanh hơn, tranh chấp lãnh thổ, tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc về chủ quyền biển đảo trên Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, trở thành "điểm nóng" thế giới.
Từ sau Đại hội XII, đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, nhưng năng suất, chất lượng, quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; năng suất lao động chậm được cải thiện; tình trạng tham nhũng, tiêu cực còn diễn biến phức tạp, khoảng cách giàu - nghèo ngày càng doãng ra, phân hóa xã hội gia tăng, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại; biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra nhanh và phức tạp; bốn nguy cơ mà Đảng nêu ra từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII còn nhiều diễn biến phức tạp, lại xuất hiện các vấn đề bức xúc về: An toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm và an ninh mạng; các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống đối trên nhiều lĩnh vực, nhất là sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội, internet chống phá Đảng, Nhà nước hòng phủ nhận nền tảng tư tưởng và đường lối đổi mới Đảng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Trong bối cảnh đó, phát huy tinh thần và hào khí của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kiên định lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Thực hiện thắng lợi phương châm của Đảng đề ra: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng nền văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, để tạo những tiền đề sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thời gian tới, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm, quan trọng nhất. Gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với kinh tế tri thức, kinh tế số với Cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện có hiệu quả các nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”, “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trên cơ sở đó, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chú trọng nguồn lực con người - coi con người là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững; tập trung thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ trên cơ sở gắn với Cách mạng công nghiệp 4.0 để đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong đó hết sức chú trọng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực mà Đảng đã xác định đây là giặc “nội xâm”. Có thể nói, chưa bao giờ cuộc đấu tranh trên lĩnh vực này được Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, tiến hành quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng như thời gian qua. Đồng chí Tổng Bí thư nêu rõ cuộc đấu tranh này “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” và “bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật”.
Công tác tuyên giáo tiếp tục “đi trước”, “đi cùng” để góp phần vào sự phát triển đất nước, nhất là hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ngành Tuyên giáo trong thời gian tới sẽ không ngừng đổi mới, bám sát thực tiễn đất nước và nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo trên từng lĩnh vực, như: Tuyên truyền, lý luận, văn hóa - văn nghệ, báo chí - xuất bản, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế - thể thao…, nhất là phải nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, tập trung vào những dự báo để chủ động tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp, giải quyết các vấn đề do lý luận và thực tiễn đặt ra, trước những diễn biến nhanh, khó lường của thế giới và khu vực, nhất là trong thời kỳ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để đất nước phát triển nhanh và bền vững. Chủ động đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Kiên quyết tấn công làm thất bại các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 là dịp chúng ta ôn lại những bài học kinh nghiệm quý báu và phát huy hào khí của sự kiện đó để đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đảng: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tiến sĩ Bùi Thế Đức
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
Theo HNM