Stent Việt muốn chinh phục thế giới
Một sản phẩm y tế “made in Việt Nam” vừa ra đời và thử nghiệm lâm sàng thành công, được các chuyên gia đánh giá là niềm tự hào của ngành sản xuất thiết bị y tế kỹ thuật cao trong nước.
Các kỹ sư nhà máy USM Healthcare đang chế tạo “stent made in Việt Nam”. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đó là sản phẩm stent nong mạch vành, do nhà máy USM Healthcare sản xuất có giá chỉ bằng 60% - 70% so với stent nhập khẩu, góp phần giảm tải gánh nặng chi phí cho người bệnh.
Dò dẫm bước đi
Nhớ lại những ngày đầu thực hiện đầu tư nghiên cứu các sản phẩm tim mạch can thiệp, đặc biệt là stent, bà Võ Xuân Bội Lâm, người sáng lập và là thành viên ban giám đốc nhà máy USM Healthcare, cho biết trải qua nhiều năm làm trong lĩnh vực nhập khẩu thiết bị y tế, đã nhận thấy Việt Nam đang lệ thuộc vào nước ngoài và chảy máu hàng triệu USD mỗi năm ở lĩnh vực này. Vào thời điểm đó, không nhiều người dám đầu tư vào lĩnh vực y tế kỹ thuật cao. “Hiện ở nước ta có khoảng 1.400 công ty về trang thiết bị y tế, nhưng chủ yếu là mua bán chứ không sản xuất. Với ước mơ có một thương hiệu của mình, tôi mày mò tìm hiểu; gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm các giáo sư ở nước ngoài. Họ cũng có thiện chí giúp đỡ phát triển sản phẩm stent mạch vành phục vụ người Việt Nam. Không chỉ có vậy, nếu thành công thì sản phẩm sẽ phục vụ không chỉ trong nước mà còn có thể xuất khẩu ra nước ngoài, nên chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư”, bà Bội Lâm chia sẻ.
Ý tưởng sản xuất stent của bà Bội Lâm được Bộ Khoa học - Công nghệ khuyến khích, hỗ trợ một phần kinh phí triển khai. Bên cạnh đó, UBND TPHCM cũng đồng ý hỗ trợ lãi suất thông qua chương trình kích cầu; dành đất tại Khu Công nghệ cao (quận 9) để xây dựng nhà máy. Sau 5 năm, trải qua nhiều khó khăn từ xây dựng nhà máy, nghiên cứu và làm chủ công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài, tuân thủ đúng theo quy trình thử nghiệm của Bộ Y tế, stent mạch vành và bóng nong mạch của Việt Nam đã thành công sau khi thử nghiệm trên động vật và người bệnh. Việc thử nghiệm lâm sàng thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM), Bệnh viện E (Hà Nội) và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế… Đáng mừng hơn, sản phẩm được Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Y tế và các bác sĩ đầu ngành về tim mạch ủng hộ, tin tưởng.
USM Healthcare trở thành nhà máy thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Singapore) sản xuất được stent mạch vành và bóng nong mạch vành. Nhà máy đạt được các chỉ tiêu sản xuất trang thiết bị y tế như ISO 9001, ISO 13485, GMP- WHO. Hiện sản phẩm đang chờ cấp phép lưu hành tại Việt Nam để có thể xuất khẩu. Giúp người nghèo kéo dài sự sống
Theo bà Bội Lâm, stent hiện có giá cao (2.000USD/cái), trong đó bảo hiểm y tế chi trả 36 triệu đồng/cái. Ước tính, hàng năm số tiền bảo hiểm y tế chi trả cho stent và bóng nong mạch là gần 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với những người không có bảo hiểm y tế hoặc người nghèo thì rất khó khăn trong vấn đề thanh toán. “Stent này ở thế giới không còn là mới, đã xuất hiện gần 20 năm. Hiện cũng có gần 40 công ty sản xuất và đây cũng không phải là công nghệ đột phá. Mình tự sản xuất được Stent bệnh nhân nghèo ở nước ta sẽ bớt khổ đi rất nhiều”, bà Bội Lâm cho hay.
Đánh giá về chất lượng và khả năng tương thích trên người bệnh, TS Nguyễn Thượng Nghĩa, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh viện thử nghiệm các sản phẩm stent của USM Healthcare với 30 - 40 bệnh nhân. Tất cả kết quả thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân đều thành công, không bị các biến cố bất lợi trong quá trình thực hiện thủ thuật và theo dõi sau can thiệp đặt stent. Cụ thể, đối với stent phủ thuốc Sirolimus dùng để điều trị chứng xơ cứng động mạch, loại bỏ cholesterol bám trên thành động mạch và ngăn ngừa ung thư bằng cách phóng thích thuốc chống tăng sinh. Hiệu quả của stent phủ thuốc Sirolimus được khẳng định với tỷ lệ tái hẹp trong đoạn stent hoặc 2 đầu gần đó tại thời điểm đánh giá ở mức rất thấp (tỷ lệ tái hẹp 0%). Sản phẩm cũng không gây ra các khó khăn về mặt kỹ thuật trong việc thực hiện can thiệp động mạch vành qua da, với tỷ lệ đặt thành công là 100%. “Việc sản xuất thành công sản phẩm đã mở ra thị trường vật tư can thiệp tim mạch có chất lượng tương đương sản phẩm từ châu Âu, Mỹ, nhưng giá chỉ bằng 60% - 70% giá nhập khẩu. Điều này giúp các bệnh nhân điều kiện khó khăn có cơ hội tiếp cận với các vật tư và phương pháp điều trị hiện đại, giảm đáng kể gánh nặng chi trả cho người bệnh và bảo hiểm xã hội”, TS Nguyễn Thượng Nghĩa hồ hởi.
“Việt Nam chính thức đặt stent từ năm 1999 và chủ yếu nhập ở nước ngoài. Đến năm 2000, phương pháp này bắt đầu nở rộ và là một phương pháp phổ biến ứng dụng cho các trường hợp đột quỵ tim. Có 2 loại stent mạch vành: stent thường và stent phủ thuốc. Stent phủ thuốc có tác dụng ngăn ngừa tiến triển của lớp nội mạc, qua đó làm giảm đáng kể tỷ lệ tái hẹp sau can thiệp động mạch vành”.
TS NGUYỄN THƯỢNG NGHĨA
Theo THÀNH AN (SGGP)