Các mô hình khuyến nông ở An Lão:
Hiệu quả thiết thực
Thời gian qua, huyện An Lão đã triển khai thực hiện một số mô hình khuyến nông, giúp nông dân sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Ông Phạm Minh Tâm, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Lão, cho biết: “Phòng NN-PTNT huyện đã phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện thành công các mô hình: lai tạo đàn bò theo phương pháp thụ tinh nhân tạo, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, nuôi heo sinh sản giống ngoại F1, phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây lúa; đồng thời cử cán bộ tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia”.
Mô hình dự trữ thức ăn cho đàn gia súc được triển khai từ đầu tháng 5.2013. Đến nay, toàn huyện có 800 hộ chăn nuôi đã dự trữ được 1.117 cây rơm, đảm bảo đủ thức ăn cho trâu, bò trong mùa mưa bão. Anh Lâm Văn Trực, ở thôn Thuận An, xã An Tân, bộc bạch: “Trước kia, người dân chúng tôi thu hoạch lúa xong bỏ rơm tại ruộng rất phí phạm và còn gây ô nhiễm môi trường. Bây giờ, nhà nào chăn nuôi đều làm cây rơm dự trữ. Vụ Hè Thu năm nay, gia đình tôi dự trữ được 3 cây rơm, đủ thức ăn trong mùa mưa cho đàn bò 5 con”.
Xã An Hòa là địa phương đi đầu ở An Lão trong việc dự trữ cây rơm. Ông Trần Nam Trung, Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa, cho biết: “Từ khi triển khai mô hình, chính quyền địa phương luôn đôn đốc, hướng dẫn người chăn nuôi dự trữ lượng rơm đảm bảo cho đàn gia súc của gia đình, bình quân 5-7kg rơm khô/đầu gia súc/ngày. Đến nay, toàn xã có hơn 95% hộ chăn nuôi đảm bảo thức ăn cho đàn trâu, bò trong mùa mưa bão”. Ngoài ra, các xã An Tân, An Dũng, An Hưng, An Trung… cũng đảm bảo lượng rơm cho đàn trâu, bò trong mùa mưa.
Mô hình nuôi heo giống ngoại được triển khai từ tháng 9.2012, tại các xã: An Hòa, An Tân và thị trấn An Lão. Theo ông Trương Hải Vương, cán bộ Phòng NN-PTNT, huyện đã đầu tư gần 180 triệu đồng mua 36 con heo giống Yorkshire. Qua 1 năm, heo đạt trọng lượng 120-140kg/con, phát triển tốt, không bị dịch bệnh, qua kiểm tra có hơn 1/2 số heo đã thụ tinh và đẻ 13-15 con/lứa. Anh Nguyễn Ngọc Quy, ở thôn Hưng Nhơn Bắc, thị trấn An Lão, tham gia mô hình nuôi heo, cho biết: “Tôi được huyện đầu tư nuôi 6 con heo nái Yorkshire, đến nay đã có 3 heo mẹ đẻ 42 con. Đàn heo con phát triển rất nhanh, sức đề kháng tốt”. Theo tính toán của các hộ tham gia mô hình, heo con đẻ ra nuôi 3,5 tháng thì xuất bán, lúc này heo đạt trọng lượng 85kg trở lên, cao hơn so với các giống heo khác và giá bán cũng cao hơn.
Trong sản xuất, mô hình phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây lúa triển khai ở thôn 5 và thôn 6 xã An Quang đã mang lại hiệu quả tích cực. Nông dân địa phương đã biết áp dụng các phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sâu bệnh gây hại trên cây lúa.
Có thể nói, hầu hết các mô hình khuyến nông trồng trọt, chăn nuôi được triển khai ở An Lão đều được các hộ gia đình thực hiện hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống. Ông Phạm Minh Tâm cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các ban ngành, chính quyền các địa phương tiếp tục đầu tư nhân rộng các mô hình, cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp tham gia, theo dõi sát sao việc thực hiện mô hình để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp người dân sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả hơn”.
ĐÌNH PHÙNG