Phòng bệnh rối loạn tiêu hóa cho trẻ
Rối loạn tiêu hóa là hội chứng gây ra bởi sự co thắt không bình thường của các cơ vòng trong hệ tiêu hóa. Tình trạng này diễn ra dẫn đến đau bụng và thay đổi các vấn đề về đại tiện. Thông thường bệnh xảy ra ở đường tiêu hóa nhưng trong một số trường hợp có thể xảy ra ngoài đường tiêu hóa.
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa là do hệ tiêu hóa còn chưa được hoàn thiện, hệ miễn dịch hạn chế do đó rất hay gặp phải chứng rối loạn tiêu hóa… Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị rối loạn tiêu hóa dùng kháng sinh; chế độ dinh dưỡng bất hợp lý; môi trường sống mất vệ sinh do các bé chơi đồ chơi, tiếp xúc với thú vật, đồ dùng bám vi khuẩn, sau khi đi vệ sinh không rửa tay.
Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng Khoa Nhi (BVĐK tỉnh), cho biết: Khi bị rối loạn tiêu hóa, trẻ thường có 2 biểu hiện, biểu hiện thứ nhất nhìn thấy ngay là nôn, biểu hiện thứ hai là tiêu chảy. Bên cạnh hai biểu hiện này, biểu hiện có thể thấy thêm ở từng trẻ như đầy bụng, khó chịu, ợ hơi.
Để trẻ có sức khỏe dẻo dai, nên cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng như thịt cá, đậu, sữa, rau xanh và hoa quả, cung cấp cho trẻ đủ lượng nước hàng ngày. Hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn nhiều chất béo, chất đạm, thức ăn để lâu ngày dễ bị nhiễm khuẩn.
Nên cho trẻ ăn no vào bữa sáng để tránh trẻ ăn quà vặt ở đường phố, dẫn đến tình trạng ăn phải thức ăn không đảm bảo vệ sinh và mắc bệnh rối loạn tiêu hóa. Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, điều đầu tiên cần xác định tình trạng mất nước ở trẻ, bằng việc kiểm tra ngay xem trẻ khát không, đi tiểu có như bình thường hay không, môi khô như thế nào, từ đó nhanh chóng bù nước cho trẻ. Khi rối loạn tiêu hóa có kèm theo đau bụng thì đi khám bệnh càng sớm càng tốt để đề phòng mắc thêm các bệnh cấp tính khác.
Với trẻ chuẩn bị vào lớp 1, các vị phụ huynh nên lưu ý, đến trường phổ thông là bước vào một giai đoạn mới trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ, vì vậy, việc giữ gìn sức khỏe cho trẻ để trẻ học tập tốt là hết sức cần thiết. Phụ huynh cần lưu ý: phải có thực đơn đa dạng, lành mạnh, dinh duỡng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ; giữ gìn vệ sinh, tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh.
Để phòng bệnh, bác sĩ Phạm Văn Dũng lưu ý: Kể cả khi đi học hay ở nhà, nên tập cho trẻ có thói quen rửa tay với xà phòng diệt khuẩn (hoặc người lớn rửa tay cho trẻ với xà phòng này) để ngăn ngừa tình trạng trẻ tiếp xúc với các vi khuẩn gây bệnh có trong môi trường sống, trên đồ chơi, thú vật cưng hoặc ở các khu vực vệ sinh... Điều này giúp hệ miễn dịch của trẻ không phải “đối phó” nhiều với virut gây bệnh nên có khả năng phòng ngừa, rối loạn tiêu hóa tốt hơn. Nếu trẻ có biểu hiện của rối loạn tiêu hóa ngày càng nặng, các mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa để có hướng điều trị chính xác.
THÙY VY (Trung tâm TT - GDSK tỉnh)