Ðể kiểm soát bệnh sởi: Cần chủ động phòng tránh
Tính đến đầu tháng 8, cả nước có 521 trường hợp dương tính với sởi, 1 trường hợp tử vong. Tuy bệnh tập trung vào một số tỉnh, thành phía Bắc nhưng đã gây tâm lý lo lắng ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Tại Bình Ðịnh, dù chưa ghi nhận trường hợp mắc sởi nào nhưng khuyến cáo của các cơ quan y tế là cần hết sức cảnh giác với bệnh sởi.
Cần cảnh giác với sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm phổ biến ở Việt Nam. Bệnh do virut sởi gây nên, dễ lây lan qua đường hô hấp và thường gặp ở trẻ nhỏ trên 9 tháng tuổi chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi. Nhưng theo Giám đốc TTYT Dự phòng tỉnh, ThS. Bùi Ngọc Lân, hiện nay sởi còn có thể gặp ở trẻ dưới 9 tháng tuổi, thanh niên, người lớn khi còn nhỏ chưa tiêm phòng.
Tiêm vắc-xin đầy đủ là cách tốt nhất để phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ. Ảnh: VĂN LƯU
Theo bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng Khoa Nhi (BVĐK tỉnh), khởi phát của bệnh sởi là sốt và những bệnh viêm long hô hấp như chảy nước mũi, ho. Đặc biệt sởi phát ban theo thứ tự đầu, mặt, bụng, ngực, chân. Tuy nhiên, phát ban ở bệnh sởi không chỉ ở da mà còn có thể phát ban ở mắt gây mắt đỏ, gây ảnh hưởng đến giác mạc mắt và làm mất vitamin A. Sởi còn phát ban trong vòm họng, trong phế quản nên bệnh nhân dễ biến chứng viêm phổi, phát ban ở ruột nên gây tiêu chảy. Nghiêm trọng hơn khi virut sởi làm tổn thương não gây các biến chứng nặng nề. Sởi đặc biệt nguy hiểm đối với những người đã có bệnh nền sẵn như tim bẩm sinh, thận hư... có thể gây tử vong.
Ghi nhận năm 2014 cả nước có 8.500 trường hợp mắc sởi, trong đó có 140 ca tử vong. Nhờ làm tốt công tác tiêm phòng, sởi đã bắt đầu giảm, tuy nhiên đầu năm 2018, sởi bắt đầu xuất hiện mạnh trở lại. Nếu năm 2017, cả nước có 141 trường hợp mắc sởi được ghi nhận, thì chỉ đến giữa năm 2018, bệnh sởi có xu hướng tăng với 521 trường hợp dương tính với sởi, số ca mắc bệnh chủ yếu ở miền Bắc và phần lớn rơi vào những người chưa được tiêm phòng.
“Tôi biết bệnh sởi và nhiều bệnh khác nữa có những biến chứng rất nguy hiểm nên từ khi mang thai tôi đã tìm hiểu và tuân thủ đầy đủ lịch tiêm chủng để phòng tránh các bệnh nguy hiểm cho 2 con, tôi cũng an tâm hơn”- chị Nguyễn Thị Tuyết, 38 tuổi (Tuy Phước) chia sẻ.
Có thể giảm độ tuổi tiêm phòng
Tùy vào từng nơi mà độ tuổi tiêm phòng vắc-xin sởi khác nhau, ở các nước ít gặp bệnh sởi như châu Âu người ta tiêm phòng lúc trẻ 12 tháng tuổi. Ở Việt Nam để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, việc tiêm phòng sởi mũi 1 thực hiện lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi nhắc lại vào lúc 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, thử nghiệm lâm sàng tại Hải Dương gần đây cho thấy hơn 92% trẻ từ 6 - 8 tháng tuổi không có kháng thể phòng bệnh sởi. Cho nên, với tình hình độ tuổi mắc bệnh ngày càng giảm nên các cơ quan chức năng đang nghiên cứu có thể giảm độ tuổi tiêm phòng.
Ở Bình Định, nhờ TTYT Dự phòng tỉnh chủ động tổ chức tiêm phòng nên bệnh sởi ở Bình Định được giám sát chặt chẽ. Theo điều tra tổng hợp của TTYT Dự phòng tỉnh, năm 2014 toàn tỉnh có 171 trường hợp sốt phát ban, trong đó có 36 trường hợp dương tính với sởi; năm 2015 có 32 trường hợp sốt phát ban, có 1 trường hợp dương tính với sởi; năm 2016, điều tra 29 trường hợp sốt phát ban, không có trường hợp dương tính với sởi, chỉ có 2 trường hợp dương tính với rubella; năm 2017, điều tra 26 trường hợp, 1 trường hợp rubella; đầu năm 2018 đến nay, điều tra 21 trường hợp và chưa ghi nhận được trường hợp nào mắc sởi - rubella.
Theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đưa ra, những địa phương có tỉ lệ tiêm phòng dưới 95% rất dễ xảy ra dịch sởi. Căn cứ theo đó thì tỉnh Bình Định có thể tạm yên tâm. Ở tỉnh ta, năm 2014, tiêm phòng sởi mũi 1 đạt 99,13%, mũi 2 đạt 98,68%; đến năm 2017, tiêm phòng sởi mũi 1 đạt 99,63%, mũi 2 đạt 99,28%.
“Sởi không có thuốc đặc trị, bệnh nhân khi mắc bệnh sởi chỉ thực hiện cách ly, theo dõi điều trị theo triệu chứng. Bệnh sởi không gây tử vong nhưng biến chứng của nó rất nguy hiểm. Vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu sốt phát ban, phụ huynh nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để tránh các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Những ngày giao mùa sắp tới, virut sởi rất dễ lây lan, tỉ lệ mắc bệnh có thể sẽ tăng nên mọi người cần cảnh giác, phòng ngừa đầy đủ” - bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng khuyến cáo.
THẢO KHUY